Ngay cả khi làn sóng tăng lãi suất dữ dội của Fed cũng chỉ khiến S&P 500 giảm 9,3%, hay cuộc khủng hoảng khí đốt làm gia tăng nguy cơ suy thoái cũng chỉ khiến chứng khoán Đức giảm 5,5%. Thực trạng của TTCK Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) đau đầu, nhất là khi tốc độ tăng trưởng GDP quý III thuộc nhóm mạnh nhất thế giới.
Sẽ khó có “sóng BCTC”
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, chỉ số VN Index đã rơi xuống đáy 20 tháng và bắt đầu phục hồi. Những dấu hiệu tạo đáy xuất hiện đúng thời điểm kết thúc quý III, khi các doanh nghiệp (DN) niêm yết chuẩn bị công bố báo cáo tài chính (BCTC). Trong ngắn hạn, đây là mạch thông tin hỗ trợ duy nhất mà thị trường có thể trông đợi.
Một nét khác biệt của giai đoạn TTCK trong mùa BCTC quý III năm nay, là thị trường không hề có giai đoạn tích lũy bình thường trước đó. Thông lệ thị trường các năm trước đều cho thấy, sự dịch chuyển của dòng tiền thông minh đón trước cơ hội DN công bố lợi nhuận.
Năm nay tháng 9 hầu như toàn thị trường đều sụt giảm, thậm chí cổ phiếu (CP) giảm giá rất mạnh. Ngay như với các blue chips trong rổ VN30, có tới 20 mã giảm từ 10% giá trị trở lên kể từ đầu tháng 9 tới nay, trong đó loạt CP giảm trên 20% là CTG giảm 21,3%, GVR giảm 27%, HPG giảm 20%, KDH giảm 25,3%, MSN giảm 20,8%, PLX giảm 21,2%, SSI giảm 21,3%, STB giảm 22%, TCB giảm 21%.
Mức giảm quá mạnh này ở khía cạnh nào đó thể hiện cơ hội mua “rẻ”, nhưng ở khía cạnh khác lại cho thấy một hiện tượng bất thường. Biên độ giảm giá lớn vượt mức điều chỉnh thông thường (khoảng 7-10%), thể hiện quan điểm của thị trường đang định giá lại CP, chứ không còn đơn thuần là điều chỉnh sau mức tăng trưởng trước đó.
Thực vậy, nếu tính từ đáy thấp nhất hồi tháng 7 sau khi thị trường phản ánh kết quả kinh doanh quý II-2022, hàng loạt CP đã thủng đáy này tương tự VN Index và rơi xuống mức thấp mới tính bằng năm. Diễn biến này phản ánh trước những rủi ro xa hơn, mà nếu chỉ nhìn vào số liệu hiện tại thì khó thấy hết được.
Thí dụ rõ nhất là nhóm CP tài chính (chứng khoán và ngân hàng) như thống kê ở trên, nằm trong nhóm giảm giá mạnh nhất. CP chứng khoán được dự báo có một quý III-2022 ảm đạm, khi mức thanh khoản chung sụt giảm khoảng 60% so với năm 2021. Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng thu nhập từ hoạt động môi giới sẽ bị giảm, cũng như rủi ro về danh mục đầu tư gánh chịu thua lỗ.
Hoạt động tự doanh chiếm khoảng 50% tổng nguồn thu của các công ty chứng khoán, và khi đại đa số CP đều lao dốc mạnh khó có thể trông đợi vào nguồn lợi nhuận này để phản ánh một con số tích cực lên BCTC quý III. CP ngân hàng cũng vậy, dù có thể san sẻ từ “của để dành” để đảm bảo lợi nhuận, nhưng triển vọng tăng lãi suất huy động trong khi bị hạn chế mặt bằng cho vay sẽ khiến lợi nhuận biên giảm xuống, chưa kể các hoạt động kinh doanh trái phiếu gặp khó khăn.
Đối với các nhóm ngành sản xuất kinh doanh, tác động về lợi nhuận có thể rất khác nhau, nhưng cũng khó tránh được áp lực tâm lý giảm chung trên thị trường. Đây là những CP có dư địa lớn cho NĐT “đãi cát tìm vàng” theo trường phái cơ bản, nhưng lại là những CP không có tác động nhiều đến xu hướng thị trường chung (vì vốn hóa quá nhỏ hoặc ngành nghề không lan tỏa về giá).
Điều này sẽ tạo sự phân hóa về giá CP trên thị trường, và rất có thể năm nay sẽ có một quý III khác thường, khi câu chuyện lợi nhuận ngắn hạn phụ thuộc chủ yếu vào việc NĐT có chọn đúng CP hay không, chưa kể là những CP đó có thu hút được dòng tiền đủ lớn để tăng giá hay không. Do đó khó có thể nói kết quả kinh doanh quý III sẽ là lực đỡ chung cho toàn thị trường, hình thành cái gọi là “sóng BCTC”.
Tương lai khó đoán định
Một thay đổi ít được chú ý trong các báo cáo triển vọng TTCK gần đây, là các con số dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của công ty niêm yết đang giảm đi. Trong 2 quý đầu năm, nhiều dự báo tăng trưởng lợi nhuận có thể tới 20-25%, nhưng con số này đang được co hẹp dần còn 18-20%, thậm chí là 15-17%. Sự thay đổi khá tinh tế này hàm ý rằng lợi nhuận 2 quý cuối năm nay sẽ khó tăng trưởng, thậm chí là giảm tăng trưởng. Số liệu quý III sẽ là tiền đề để xuất hiện nhiều đánh giá hạ dự báo nhiều hơn nữa.
TTCK có thể đang chiết khấu về những rủi ro trong trung hạn, khi những gì rực rỡ nhất đã qua đi. Các con số thống kê luôn phản ánh quá khứ - chẳng hạn mức tăng trưởng GDP kỷ lục 13% vừa công bố, trong khi thị trường lại sẵn sàng cho những thay đổi theo hướng tệ hơn trong tương lai.
Ngay cả các tổ chức quốc tế dù rất lạc quan cho năm 2022, cũng tỏ ra thận trọng trong năm 2023. Báo cáo mới công bố của Ngân hàng UOB chẳng hạn, nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam từ 7% lên 8,2%, nhưng vẫn nhấn mạnh áp lực tăng lãi suất toàn cầu lên chính sách điều hành của Việt Nam trong năm 2023, cũng như rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính là EU và Mỹ.
Những mục tiêu có phần trái ngược nhau như kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, hỗ trợ lãi suất, ổn định tỷ giá để giữ dòng vốn đầu tư, hạn chế nhập khẩu lạm phát khiến lựa chọn chính sách không hề dễ dàng. Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết không tăng trần tín dụng, tăng lãi suất điều hành và nới trần lãi suất huy động, bán can thiệp USD để đạt được sự cân bằng hiện tại.
Tuy nhiên, đó chỉ là “hiệp 1” của cuộc chiến chống lạm phát giữa vòng xoáy thắt chặt tiền tệ toàn cầu dự báo sẽ còn rất căng thẳng trong năm 2023. TTCK đang lo ngại những khó khăn trung hạn đó và dòng vốn lớn từ các NĐT chuyên nghiệp gần như “nằm im”, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh và giá CP không tăng nổi trước những con số đẹp của quá khứ.
Rất có thể năm nay sẽ có một quý III khác thường. Do đó khó có thể nói kết quả kinh doanh quý III sẽ là lực đỡ chung cho toàn thị trường, hình thành cái gọi là “sóng BCTC”. |