Quỹ kền kền giương vuốt

Quỹ đầu tư có trụ sở ở Hoa Kỳ, Gramercy Funds Management, đang đe dọa sẽ kiện Peru để ép nước này phải trả lãi cho những trái phiếu mua cách nay 40 năm trong thời cải cách ruộng đất.

Quỹ đầu tư có trụ sở ở Hoa Kỳ, Gramercy Funds Management, đang đe dọa sẽ kiện Peru để ép nước này phải trả lãi cho những trái phiếu mua cách nay 40 năm trong thời cải cách ruộng đất.

Món nợ 40 năm

Vào những năm 1970, chính quyền quân phiệt của Tổng thống Juan Velasco đã tước đoạt 9,3 triệu ha đất canh tác của người dân trong một cuộc cải tổ ruộng đất. Đổi lại, chủ đất nhận được trái phiếu với thời hạn thanh toán là 20-30 năm sau.

Tuy nhiên, chính phủ Peru đã tuyên bố vỡ nợ đối với số trái phiếu đó trong một cuộc khủng hoảng kinh tế về sau. Gramercy bắt đầu thu gom loại trái phiếu này vào năm 2008, ngay trước khi hiệp định thương mại tự do (FTA) Hoa Kỳ-Peru có hiệu lực.

Nay, quỹ này đang tạo áp lực đòi Peru trả tổng cộng 5,1 tỷ USD cho số trái phiếu họ nắm giữ. “Vì Peru thừa khả năng thanh toán món nợ 5 tỷ USD, nên việc tuyên bố vỡ nợ rõ ràng là một động thái có chọn lựa” - James Taylor, một cổ đông Gramercy, nói.

Năm 2013, tòa án Hiến pháp Peru đã ra lệnh cho chính phủ phải trả số nợ trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nước này đã định giá số trái phiếu chỉ 400 triệu USD, chưa tới 10% giá trị đất đai chính phủ đã lấy. Vấn đề cốt lõi gây tranh cãi là cách định giá số trái phiếu trên. Kể từ khi chúng được phát hành, nhà nước Peru đã 2 lần đổi tiền và cũng trải qua nhiều năm siêu lạm phát.

Tuy nhiên, chính phủ đã định giá số trái phiếu trên bằng với giá trị của đồng sol (nội tệ của Peru) hiện nay, dù đồng sol mới có giá trị thấp hơn nhiều so với đồng sol khi phát hành trái phiếu. Trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 2 thập niên và một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu, chính phủ Peru nay rất miễn cưỡng trong việc trả các món nợ do chính quyền quân phiệt để lại.

Nhiều người gọi Gramercy là quỹ kền kền vì quỹ này chuyên mua lại các tài sản nợ đã phá sản của các thị trường mới nổi. Giới chuyên gia tin rằng Gramercy mua lại những trái phiếu của Peru với giá chưa tới 20% giá trị mặt.

Trái phiếu ruộng đất của Peru.

Trái phiếu ruộng đất của Peru.

Sức ép TPP

Các quỹ kền kền đã khiến những người dân Nam Mỹ giận dữ sau khi quỹ Elliott Management tiến hành kiện Argentina về trái phiếu vỡ nợ năm 2001. Tuy nhiên, vì trái phiếu của Argentina được bán ở New York, cho phép Elliott có thể kiện ra tòa án ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, trái phiếu cải cách ruộng đất của Peru được phát hành ở Peru. “Những trái phiếu này được phát hành theo luật Peru và cơ quan luật pháp cao nhất đã phê chuẩn” - đại diện Bộ Tài chính Peru nói với tờ Financial Times. “Hiển nhiên có một số trái chủ muốn được trả theo cách cá biệt, nhưng Peru phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp của mình”.

Gramercy có lẽ đã từ bỏ việc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Ollanta Humala. Chính phủ Peru nói trái phiếu ruộng đất sẽ được định giá theo luật của Peru. Tuy nhiên, Gramercy hy vọng sẽ gây sức ép để đưa vụ việc ra tòa án ở Hoa Kỳ hoặc theo luật của TPP, vì Peru đã tham gia TPP. “Nếu chính phủ Humula tiếp tục từ chối đề xuất, chúng tôi buộc phải tiến hành các bước đi pháp lý của mình, bao gồm việc đưa ra cáo buộc quốc tế theo thỏa thuận FTA Hoa Kỳ-Peru” - Taylor nói.

Không phải tất cả các nhà chuyên môn ở Peru đều phản đối việc trả nợ đầy đủ cho Gramercy và các trái chủ người Peru. Cựu Bộ trưởng Tài chính Ismael Benavides cho rằng trong khi việc chi trả tới 5,1 tỷ USD có thể gia tăng nợ chính phủ thêm 2,3% GDP, nhưng việc đó sẽ giảm chi phí vay mượn Peru, giúp nước này lợi được 18 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

“Nếu thanh toán đầy đủ trái phiếu ruộng đất, Peru sẽ được đánh giá cao hơn trên thị trường nợ quốc tế, từ đó có thể huy động nợ với giá rẻ hơn” - Christopher Sabatini, giáo sư chính sách công của Đại học Columbia, nói.

(Theo Peru Reports)

Các tin khác