Quỹ mở của VinaCapital hiện đang nắm giữ mã cổ phiếu nào?

(ĐTTCO) - Theo CTCP Quản lý quỹ VinaCapital (VCFM), các quỹ mở do VinaCapital quản lý ghi nhận kết quả hoạt động vượt trội so với chỉ số tham chiếu trong giai đoạn 1 năm và 3 năm gần nhất.

Quỹ mở của VinaCapital hiện đang nắm giữ mã cổ phiếu nào?

Lợi nhuận vượt trội

Các quỹ mở VinaCapital này bao gồm: Quỹ Đầu tư CP tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF), Quỹ Đầu tư CP Hưng thịnh VinaCapital (VEOF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo thịnh VinaCapital (VFF) và Quỹ Đầu tư CP kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) vừa ra mắt.

Cụ thể, trong năm 2023, VESAF đạt lợi nhuận 30,9% và VEOF đạt lợi nhuận 19,5%. Cả 2 quỹ CP đều vượt trội chỉ số tham chiếu VN Index có mức tăng chỉ 12,2%.

Tương tự, VIBF đạt lợi nhuận 11,2%, vượt trội so với chỉ số tham chiếu là 9,2%; VFF đạt lợi nhuận 8,0%, vượt trội so với chỉ số tham chiếu là 6,4%. Với VMEEF, dù mới được thành lập ngày 4-5-2023 cũng ghi lợi nhuận 13,2%, vượt trội so với mức tăng của chỉ số tham chiếu VN Index cùng giai đoạn là 7,3%.

Tính đến ngày 31-12-2023, lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất của VESAF cũng dẫn đầu khi đạt 18,2%/năm, theo sau là VEOF với mức lợi nhuận 13,8%/năm. Cả 2 quỹ CP đều đạt hiệu suất vượt xa chỉ số tham chiếu VN Index (có mức tăng trung bình 3 năm gần nhất là 0,8%/năm), tiếp tục giữ vị trí số 1 và 2 toàn thị trường quỹ mở về lợi nhuận.

VIBF ghi nhận mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 10,4%/năm, vượt trội so với chỉ số tham chiếu là 3,2%/năm. VFF cũng đạt mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 7,9%/năm, trong khi chỉ số tham chiếu đạt 5,6%/năm.

Tổng tài sản của 5 quỹ mở VinaCapital hiện đạt 3.492 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối 2022. Trong đó, VESAF đạt 1.505 tỷ đồng, VEOF đạt 763,6 tỷ đồng, VMEEF đạt 66,6 tỷ đồng, VIBF đạt 412,5 tỷ đồng và VFF đạt 743,9 tỷ đồng. Các quỹ đã thu hút hơn 47.000 NĐT, tính đến ngày 31-12-2023.

Danh mục CP hiện tại

Tính đến 31-12-2023, tài sản của VESAF được đầu tư vào CP thuộc ngành tài chính (15,8%), công nghệ (15,0%), công nghiệp (14,5%), vật liệu (13,3%), tiêu dùng thiết yếu (9,5%), năng lượng (8,0%), tiêu dùng không thiết yếu (5,9%), bất động sản (4,2%), và tiện ích (1,6%). Danh mục nắm giữ của VESAF bao gồm các mã có tỷ trọng cao nhất là FPT, MBB và QNS.

Tính đến 31-12-2023, tài sản của VEOF quỹ được phân bổ vào các ngành tài chính (31,5%), công nghiệp (20,1%), công nghệ (13,1%), vật liệu (9,3%), tiêu dùng không thiết yếu (9,1%), bất động sản (5,7%), năng lượng (2,8%), tiêu dùng thiết yếu (2,6%), y tế (2,5%), và tiện ích (2,3%). Danh mục hiện tại của quỹ này bao gồm các mã có tỷ trọng cao nhất là FPT, VCB và MBB.

Đối với VMEEF, tính đến 31-12-2023, tài sản của quỹ này được phân bổ vào các ngành tài chính (32,4%), công nghiệp (18,1%), dịch vụ viễn thông (16,9%), công nghệ (9,4%), bất động sản (6,9%), vật liệu (4,7%), tiêu dùng không thiết yếu (4,1%), y tế (1,9%), năng lượng (1,7%), và tiêu dùng thiết yếu (1,6%). Thống kê, các mã có tỷ trọng cao nhất của VMEEF là FOX, FPT và IDC.

Theo ông Brook Taylor, Tổng giám đốc VCFM, vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như công nghệ, tài chính, hàng tiêu dùng, và hạ tầng, trong bối cảnh đất nước đang hưởng lợi từ tốc độ số hóa nhanh chóng, vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, và xu thế phát triển kinh tế xanh.

Được thành lập vào năm 2003, VinaCapital hiện là một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị 4 tỷ USD. Ngoài quỹ đầu tư dạng đóng VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) được niêm yết trên sàn giao dịch chính của TTCK Luân Đôn, VinaCapital đang quản lý các quỹ mở, quỹ ETF, các tài khoản ủy thác và quỹ đầu tư nội địa phục vụ NĐT trong và ngoài nước.

Các tin khác