(ĐTTCO) - "Thể chế đã vô hiệu hóa một phần cải cách của Luật Đầu tư. Và khi đã vô hiệu hóa một phần sẽ dẫn đến nguy cơ bị vô hiệu hóa toàn phần" - TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng ban Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, bình luận như vậy về quyền tự do kinh doanh hiện nay.
PHÓNG VIÊN: - Thưa TS., có ý kiến cho rằng điều quan trọng hơn cả là cải cách điều kiện kinh doanh?
![]() |
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Một bước tiến trong Luật Đầu tư là tập hợp công bố được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dù con số đó là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường. Điều kiện kinh doanh nghĩa là hạn chế tự do kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường để bảo vệ lợi ích chung. Vì thế, để hạn chế kinh doanh phải lý giải được lợi ích chung cần bảo vệ lớn hơn việc hạn chế gia nhập thị trường. Nhưng hiện nay điều này chưa được tính đến. Con số 267 chỉ thuần túy là thống kê, chưa có sự đánh giá tổng hợp, thậm chí mang tính áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, khoa học, hạn chế cạnh tranh, tính sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, khả năng cung cấp sản phẩm tốt hơn... Đây là một trong những nguyên nhân căn bản của việc tại sao giá không giảm. Cái hay của luật là các bộ không được ban hành điều kiện mà phải cấp nghị định trở lên, tránh việc tự cài cắm điều kiện trong các văn bản cấp bộ. Nếu muốn có điều kiện phải nâng lên nghị định, phải rà soát, bãi bỏ những thứ không phù hợp.
Như vậy, từ 1-7-2015, các bộ không được ban hành các điều kiện kinh doanh, còn các điều kiện kinh doanh đã được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực, bị hủy bỏ từ 1-7-2016. Tuy nhiên có mấy điểm về mặt thẩm quyền vẫn còn tồn tại. Một là, cùng với việc ban hành Luật Đầu tư có 7 luật khác cùng ban hành. Trong 7 luật đó có những điều khoản quy định giao cho bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh. Một cải cách lớn như vậy nhưng khi thẩm tra các luật riêng lẻ lại có quy định này, cho thấy đang có vấn đề. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng mất thẩm quyền này ở Luật Đầu tư, thì cài thẩm quyền vào luật khác. Thế là nảy sinh việc Luật Đầu tư quy định như vậy nhưng các bộ nói Quốc hội giao thẩm quyền này cho họ, tức thể chế đã vô hiệu hóa một phần cải cách của Luật Đầu tư.
- Vậy việc rà soát điều kiện kinh doanh của các bộ đã được tiến hành ra sao, thưa TS.?
Chúng ta phải nhất quán về quyền tự do kinh doanh. Nếu quyền tự do kinh doanh được đẩy lên cao sẽ giảm rủi ro pháp lý với hoạt động kinh doanh, nếu không sẽ khiến người kinh doanh bấp bênh. Nếu kinh doanh những thứ luật không cấm, họ báo cáo hay không báo cáo, đăng ký hay không đăng ký cũng không phải tội hình sự. Đó là quyền đương nhiên của người ta. Không phải là thứ tôi phải đi xin, báo cáo gì cả. Mục tiêu quản lý của Nhà nước là phải tạo điều kiện để họ chủ động, tự giác báo cáo. |
- Hiện các bộ đang rà soát nhưng mới ở mức độ tập hợp lại các quy định điều kiện kinh doanh ở các thông tư, chưa có đánh giá tính hợp lý, cần thiết, tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó thực hiện cải cách. Như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ các nghị định về điều kiện kinh doanh lại được nâng cấp từ thông tư lên và không làm thay đổi chất lượng của quy định về điều kiện kinh doanh.
Tại sao một cải cách lớn, có thể mang lại sự thay đổi về chất đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh nhưng lại triển khai một cách trầy trật? Ở đây phải nói vai trò của các bộ trưởng rất quan trọng. Có thể nói nhiệm kỳ 2011-2016, dường như các bộ trưởng chưa quan tâm nhiều đến việc này. Bởi ít nhất nhiệm kỳ trước còn có Nghị quyết 30 về cải cách hành chính. Nhiệm kỳ vừa qua thường thấy bổ sung, cài đặt thêm các quy định hành chính, không nhìn thấy tháo gỡ rào cản, trừ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mà chúng ta đang cố gắng tạo sự kiện cải cách. Hy vọng nhiệm kỳ 2016-2020, các bộ trưởng sẽ ý thức rõ nét hơn, nhất quán hơn về yêu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trước sức ép từ hội nhập, yêu cầu nội tại của nền kinh tế để thay đổi.
- Để làm được điều đó, TS. kỳ vọng gì?
- Đầu tiên không thể không kể đến vai trò của Thủ tướng. Tiếp đến là các bộ tổng hợp, tiên phong của cải cách như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Anh phải gác cổng để chỉ lọt qua được những văn bản có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh, không để lọt những văn bản khác. Bên cạnh đó, phải có quyết tâm về mặt chính trị, nhận thức, sự phối hợp trong nội bộ các cơ quan, giữa các cơ quan và có lẽ vai trò không kém phần quan trọng là truyền thông, báo chí. Phải sử dụng truyền thông như một công cụ để thúc đẩy cải cách, chứ ngại truyền thông mà giấu giếm sẽ không phát huy được.
- TS. nhận định như thế nào về các điều kiện kinh doanh hiện nay?
- Nói một cách thực tình "bỏ hết chả sao". Nhìn quản lý xã hội phải nhìn cả chuỗi. Cách đặt điều kiện kinh doanh là cách quản lý rất lạc hậu, cách quản lý mô tả chu trình. Trong khi tổ chức sản xuất thế nào "mặc kệ ông, nhưng ông ra sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường". Thế giới hiện nay đều quản lý như vậy. Hậu kiểm là như vậy, bởi quản lý đầu vào là hạn chế cạnh tranh, mà hạn chế cạnh tranh kiểu gì cũng gây ra những chi phí chết cho xã hội. Thí dụ, kinh doanh vận tải hành khách miễn là xe an toàn, đường tốt, người lái đảm bảo là đủ. Như vậy cần gì 1 công ty phải có 5, 7 xe, xe chạy tuyến không được chạy hợp đồng… Vấn đề là anh quản lý chất lượng xe đó. Cả thế giới làm vậy. Khi nói chuyện mình đặt ra những điều kiện kinh doanh cho vận tải người nước ngoài không hiểu được.
Đang có nhiều điều kiện, bỏ đi thì "hẫng" nên khó ai có can đảm bỏ hết, nhưng về mặt khoa học nói bỏ hết cũng không sao. Vì vậy tôi nghĩ nên có giai đoạn chuyển tiếp, bởi quản lý xã hội không phải có thể thoát khỏi bối cảnh, tư duy, cách thức nên có thể thông cảm.
- Xin cảm ơn TS.