Quyết định sai, gây hại lớn

(ĐTTCO) - Xuất phát từ một quyết định xử phạt hành chính 2,2 tấn xúc xích gây nhiều tranh cãi của lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội, đã gây hoang mang cho cơ sở Vietfoods lẫn người tiêu dùng. Thiệt hại kinh tế cho Vietfoods nói riêng và ngành sản xuất xúc xích trong nước nói chung không hề nhỏ.

(ĐTTCO) - Xuất phát từ một quyết định xử phạt hành chính 2,2 tấn xúc xích gây nhiều tranh cãi của lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội, đã gây hoang mang cho cơ sở Vietfoods lẫn người tiêu dùng. Thiệt hại kinh tế cho Vietfoods nói riêng và ngành sản xuất xúc xích trong nước nói chung không hề nhỏ.

Bên bờ vực phá sản

Cả tháng nay, ông Lưu Minh Sang, chủ cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods, trụ sở tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương lẫn Trung ương xung quanh vụ việc sản phẩm của đơn vị bị Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội tạm giữ khó hiểu và công bố thông tin một cách mập mờ khiến doanh nghiệp lao đao, đang bên bờ vực phá sản.

 Do thông tin thiếu khách quan, xúc xích của Vietfoods đang “chết dở” trên thị trường.

Do thông tin thiếu khách quan, xúc xích của Vietfoods đang “chết dở” trên thị trường. 

Cụ thể, vào ngày 20-4-2016, đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT TP Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM Hùng Anh (địa chỉ tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) và tiến hành tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích do cơ sở Vietfoods sản xuất, với lý do nghi vấn chứa chất cấm. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, các mẫu xúc xích này có chứa chất phụ gia thực phẩm sodium nitrate-251 hàm lượng từ 55 - 100mg/kg.

Căn cứ vào kết quả này, Chi cục QLTT TP Hà Nội lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietfoods, sau đó buộc cơ sở chuyển đổi công năng sản phẩm.

Tiếp đó, khi chưa có kết luận kiểm nghiệm, đơn vị QLTT TP Hà Nội đã cung cấp thông tin xúc xích Vietfood chứa chất cấm gây ung thư cho báo chí và làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng, không những khiến Vietfood lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới.

Theo ông Lưu Minh Sang, kể từ khi thông tin 2,2 tấn xúc xích của Vietfoods sản xuất bị tạm giữ có chứa chất sodium nitrate-251, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở hầu như bị tê liệt, các sản phẩm đã đưa ra thị trường tiêu thụ buộc phải thu hồi để chờ kết quả cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Ông Sang nói như khóc: “Từ khi vụ việc nêu trên xảy ra, cơ sở chúng tôi thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất ngưng hoạt động và hơn 100 công nhân phải nghỉ việc. Điều buồn hơn hết là sản phẩm xúc xích của chúng tôi làm ra bị người tiêu dùng tẩy chay. Cho đến nay, cơ sở vẫn không dám sản xuất lại xúc xích vì không biết chất phụ gia cơ sở đang sử dụng hiện nay có phù hợp với quy định hay không?”.

Theo ghi nhận trên thị trường của ĐTTC, một số công ty lớn trong nước đã chủ động đổi bao bì, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhãn mác hàng hóa có ghi sử dụng phụ gia sodium nitrate-251, giảm sản lượng và kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Nam bộ, miền Trung – Tây nguyên… cũng rất hoang mang không biết có nên tiêu thụ các sản phẩm xúc xích đang bày bán trên thị trường nữa hay không.

Được vạ má đã sưng

Về tình hình sản phẩm xúc xích của Vietfoods bị “nhiễu” thông tin, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, vào cuối tháng 4-2016, tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành bao gồm Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Chi cục QLTT, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm kiểm tra toàn diện các quy trình sản xuất, việc sử dụng chất phụ gia... của Vietfoods. Qua kiểm tra chưa kết luận Vietfoods có vi phạm nào. Cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định hiện hành.

Theo một chuyên gia trong ngành chế biến thực phẩm, việc Đội QLTT số 14 của TP Hà Nội, một đơn vị không có chuyên môn và chức năng kiểm tra, xử phạt sản phẩm thịt nguội, thức ăn nhanh, lại tạm giữ hàng hóa, công bố thông tin thất thiệt là cố tình làm sai quy định. Phần việc đó là của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản.

Ngoài ra, việc công bố hàm lượng và chất E251 (để ổn định màu) có nguy hại sức khỏe con người hay không là chức năng của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, chứ không phải là QLTT. Thế nhưng, việc các cá nhân của Đội QLTT số 14  công bố thông tin thất thiệt như vậy là vô cùng rất nguy hiểm.

Ngày 17-5, tại buổi họp liên ngành giữa Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế và đại diện Chi cục QLTT TP Hà Nội liên quan đến sản phẩm xúc xích của cơ sở Vietfoods, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Vietfoods không sai nhưng Chi cục QLTT TP Hà Nội vẫn cho rằng mình “làm đúng quy trình”, đồng thời cho biết chờ ý kiến trả lời của Bộ Y tế để xử lý tiếp.

Ngày 23-5, Bộ Y tế có công văn tham vấn gửi Chi cục QLTT TP Hà Nội. Văn bản tiếp tục khẳng định Vietfoods không sai. Hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55mg/kg, hoàn toàn an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Hoa Kỳ, New Zealand, Singapore, Malaysia... Và cuối cùng hơn 2 tấn xúc xích của cơ sở Vietfoods đã được “giải thoát”.

Cuối tháng 5, đại diện cơ sở Vietfood cho biết: sau hơn 1 tháng bị tạm giữ, phần lớn sản phẩm trong số 2,2 tấn xúc xích được trao trả lại cho doanh nghiệp đã hết và gần hết hạn sử dụng. Công nhân bị mất việc, sản xuất đình trệ, ngay cả nhà xưởng của Vietfoods đã có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại, tình cảnh rất thê lương. Sau quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng đã có kết luận minh oan cho Vietfood, song mặt hàng xúc xích của cơ sở này không biết bao giờ mới tìm lại chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng ở phạm vi toàn quốc. Thiệt hại này ai phải bồi thường?

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (Đoàn Luật sư TPHCM), đại diện pháp lý của Vietfoods cho hay, trong vụ việc này Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) đã có dấu hiệu sai phạm rất rõ, đẩy Vietfoods đến nguy cơ phá sản do thiệt hại quá lớn. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định Vietfoods an toàn. Tôi cho rằng Vietfoods hoàn toàn có thể buộc cơ quan QLTT phải cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thực phẩm không an toàn đang là vấn đề nhức nhối. Người tiêu dùng sẽ quay lưng ngay với sản phẩm có thông tin là không an toàn, thậm chí thông tin đó chưa được kiểm chứng. Cần kiểm tra lại xem Đội 14 QLTT Hà Nội có quyền đưa thực phẩm đi xét nghiệm không. Cơ quan có thẩm quyền sẽ kết luận nhưng theo hiểu biết của tôi thì QLTT không có quyền này. DN chỉ được coi là vi phạm quy định của pháp luật sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Vietfoods chưa bị xử phạt chưa thể coi là vi phạm nên QLTT Hà Nội công bố thông tin sản phẩm của DN có chứa chất cấm là quá vội vàng. Vấn đề nữa là Đội 14 QLTT Hà Nội có quyền công bố thông tin về DN vi phạm hay không? Theo hiểu biết của tôi, Đội 14 cũng không có thẩm quyền này. Không có thẩm quyền đưa thực phẩm đi xét nghiệm, không có quyền công bố thông tin nhưng lại cung cấp rộng rãi cho báo chí gây thiệt hại nặng đối với DN là lỗi rất lớn.

Các tin khác