Quyết liệt chống chuyển giá

Hoạt động chuyển giá trong khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng phổ biến. Để đối phó với hoạt động này, cơ quan thuế đang đẩy mạnh nhiều biện pháp thanh-kiểm tra, từng bước đi theo thông lệ quốc tế để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các DN đang hoạt động tại Việt Nam. ĐTTC trao đổi với ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), xung quanh vấn đề này:

Hoạt động chuyển giá trong khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng phổ biến. Để đối phó với hoạt động này, cơ quan thuế đang đẩy mạnh nhiều biện pháp thanh-kiểm tra, từng bước đi theo thông lệ quốc tế để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các DN đang hoạt động tại Việt Nam. ĐTTC trao đổi với ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), xung quanh vấn đề này:

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về hiện tượng chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam?

Ông NGUYỄN QUANG TIẾN: - Từ lâu chúng ta đã chú ý đến hiện tượng chuyển giá. Năm 2009, Tổng cục Thuế đã công bố không chính thức bảng danh sách các DN nằm trong diện nghi ngờ. Từ năm 2010-2011, cơ quan quản lý thuế bắt đầu triển khai các cuộc thanh tra và truy thu được hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế.

Tổng cục Thuế cho biết tính đến hết năm 2012, cơ quan này quản lý hơn 11.110 DN FDI và khoảng 7.400 DNNN. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách của các DN FDI chỉ đạt khoảng 10%, trong khi ở khu vực DNNN con số này đạt 15-20% và có đến 50% DN FDI liên tục báo lỗ nhiều năm liền.

Tình trạng này thường diễn ra ở các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia. Hiện rất nhiều DN đã vào tầm ngắm của cơ quan thuế nhưng danh sách chưa được công bố vì tính bảo mật.

CocaCola Việt Nam cũng dính nghi án chuyển giá khi liên tục báo lỗ. Ảnh: T.T.

CocaCola Việt Nam cũng dính nghi án chuyển giá khi liên tục báo lỗ. Ảnh: T.T.

Chuyển giá diễn ra rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí tại một số nước, nhiều trường đại học còn mở khóa huấn luyện DN cách khai thác lỗ hổng từ chính sách đầu tư để chuyển giá, lách thuế.

Các hình thức chuyển giá được thực hiện phổ biến thông qua các giao dịch liên kết điển hình như nâng khống giá trị hàng hóa, nguồn nguyên liệu đầu vào và giảm giá trị đầu ra, tạo ra tính đặc thù của sản phẩm hay đặc thù của giao dịch liên kết để tránh sự điều tra và so sánh của cơ quan thuế, nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị và công nghệ, định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực, công ty mẹ thực hiện hỗ trợ vốn hoặc cho công ty con tại Việt Nam vay vốn không tính lãi…

Đồng thời, hành vi chuyển giá không còn đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà còn bao gồm cả chiều ngược lại.

- Những năm gần đây, số DN FDI báo lỗ gia tăng nhưng số trường hợp bị xử lý lại khá ít?

- Mặc dù nghi ngờ nhiều trường hợp nhưng có thể nói, việc thanh tra và xử lý chống chuyển giá là cuộc đấu trí giữa cơ quan thuế và DN vi phạm. Bởi khi DN liên tục báo lỗ, cơ quan thuế không thể tiến hành thanh tra về giá ngay mà cần phải có thời gian để xác định giá thành sản phẩm so với giá thị trường có chênh lệch hay không. Thời gian này có khi phải kéo dài từ 1-2 năm.

Cũng cần phải thừa nhận, hiện nay nhiều khâu trong quá trình thẩm định hoạt động chuyển giá lẫn độ trung thực của DN trong kê khai vẫn chưa đảm bảo, nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình xác định giá thị trường. Trong Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính có hướng dẫn về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết, song chúng ta lại chưa có nhiều dữ liệu để so sánh về giá. Do vậy, để xác định hành vi chống chuyển giá, ngành thuế rất cần có một hành lang pháp lý quy định cụ thể về mức giá cho các sản phẩm làm cơ sở so sánh.

Thực tế, Việt Nam đang là nước nhận nguồn vốn có rủi ro cao nên hoạt động chống chuyển giá cần phải được quan tâm và đẩy mạnh để đảm bảo môi trường đầu tư công bằng, không để các DN kinh doanh chân chính chịu thiệt thòi.

- Ngành thuế sẽ có những cải cách nào để đấu tranh chống chuyển giá?

- Hiện Bộ Tài chính đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý chính sách chống chuyển giá của các DN FDI giai đoạn 2012-2015. Cùng với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được thông qua trước đó, ngành thuế sẽ có nhiều cơ sở pháp lý hơn để đấu tranh với hành vi chuyển giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng các nghị định, thông tư về cơ chế thỏa thuận, phương pháp tính giá theo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó DN nào không kê khai theo Thông tư 66 có thể kê khai và thực hiện thỏa thuận theo Luật Quản lý thuế.

Thỏa thuận có giá trị từ 3-5 năm, nếu DN cam kết thực hiện đúng quy định về thuế trong thời hạn đó, cơ quan thuế sẽ không tiến hành thanh-kiểm tra. Đồng thời, ngành thuế sẽ tính đến việc tham vấn những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới để hỗ trợ thanh tra, xóa bỏ tình trạng chuyển giá trốn thuế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác