Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cùng với những thay đổi của việc hội nhập sâu hơn đang khiến DN nói chung và DN mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối phải tự đổi mới để có thể cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Từ yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: xem xét DN nào chần chừ trong việc cổ phần hóa (CPH) thì mời làm việc khác, nhưng đừng đề bạt cao hơn; đề nghị xem xét công tác cán bộ với những người không hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối DN Trung ương, cho biết tháng 6 tới Bộ Nội vụ sẽ trình đề án thi tuyển, hợp đồng đối với chức danh tổng giám đốc, giám đốc DN 100% vốn nhà nước...
Như vậy những chỉ đạo cùng các bước đi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN đang được triển khai một cách quyết liệt. Thực tế này đòi hỏi các DN buộc phải chuyển mình nếu không muốn bị đào thải.
Nhiều chuyên gia nhận định các bước đi quyết liệt trong kế hoạch tái cơ cấu mà quan trọng là CPH DNNN giai đoạn 2014, 2015 giống như giai đoạn đổi mới lần 2, bởi nếu thực hiện được việc này sẽ thay đổi hình ảnh DNNN hiện nay. Sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và ngay bản thân lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn đã nói lên điều đó.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào dự thảo tiêu chí mới về phân loại DNNN để tiến hành CPH, những DN có kế hoạch CPH sau năm 2015 đưa vào giai đoạn 2014-2015 (tiêu chí mới loại bỏ 9 ngành, nhóm ngành ra khỏi danh mục Nhà nước nắm cổ phần chi phối và bổ sung 3 nhóm Nhà nước nắm giữ 100% để CPH).
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng khẳng định các DNNN không cần giữ chi phối, nhất là những DN xây lắp, trong đó có các DN của bộ có thể bán hết để thu tiền về đầu tư hạ tầng giao thông, tạo thị trường, lao động.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, năm 2014 thành phố sẽ tập trung giao ban hàng tháng với Ban chỉ đạo đổi mới DN, đồng thời hàng tuần ban này sẽ họp với Ban chỉ đạo CPH DN để các DN báo cáo tiến độ, mốc thời gian công việc. UBND TPHCM cũng khuyến khích DN CPH sớm hơn kế hoạch, như kế hoạch sau 2015 vào giai đoạn 2014-2015 thông qua việc thực hiện các bước lập Ban chỉ đạo CPH để sẵn sàng khi đủ điều kiện.
Bên cạnh kiến nghị Chính phủ thông tin rõ về tình hình hoạt động của DNNN với hàm ý phân rõ DNNN nào làm ăn hiệu quả và không hiệu quả, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, đề nghị Chính phủ nên công bố lộ trình CPH các ngân hàng thương mại (có thể giữ lại Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc Agribank vì còn khó khăn), với lộ trình giảm dần tỷ lệ nắm giữ về 65% và 51% để hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược.
![]() |
DN phải tự đổi mới mình nếu không muốn bị đào thải. Ảnh: CAO THĂNG |
Cùng với đó, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp, CPH và thoái vốn đang ở giai đoạn cuối, cũng yêu cầu lãnh đạo DN, bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành kế hoạch CPH. Tất cả những điều đó đã xóa đi điểm khó khăn, hạn chế của công tác CPH thời gian qua là thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, chưa nhận thức đúng về công tác CPH.
Đồng thời, dự thảo Luật DN (sửa đổi) cũng đưa ra những yêu cầu chặt chẽ hơn. Đó là DNNN phải kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DN; DNNN chịu sự giám sát chặt chẽ và đánh giá của chủ sở hữu đối với hoạt động DN; các quy định về nguyên tắc theo chuẩn mực của quản trị công ty... Trong đó, đáng chú ý DNNN sẽ phải tuân thủ chế độ báo cáo thông tin một cách công khai, minh bạch hơn và tương đương với các DN niêm yết hiện nay (công khai định kỳ, bất thường...).
Những thực tế trên đang tạo nên sức ép buộc DNNN đang hoạt động thiếu hiệu quả, nặng về quan hệ xin - cho hiện nay sẽ phải thay đổi. Bởi khi đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, nhất là khi Nhà nước không nắm quyền chi phối, đại hội cổ đông sẽ là nơi quyết định đi hay ở của lãnh đạo DN.
Việc đa sở hữu sẽ tạo động lực, quản trị tốt hơn, kiểm soát tốt hơn, công khai minh bạch hơn, cùng với sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông, xã hội sẽ buộc DN hoạt động hiệu quả hơn. Thực tế trong số 3.576 DN đã sắp xếp, CPH, có 85% DN doanh thu cao hơn năm trước khi sắp xếp, CPH; 90% có lợi nhuận cao hơn trước đó; 86% đóng góp ngân sách cao hơn.