Quyết liệt và đồng bộ

Cuối tuần trước, Quốc hội đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Và vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tình hình lạm phát bùng phát. Nhiều đại biểu nói tăng trưởng GDP năm ngoái tăng vượt kế hoạch (6,78% so với 6,5%) là điều đáng ghi nhận, nhưng việc để lạm phát năm 2010 tăng lên 2 con số và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011 tăng vọt hơn 6% là điều rất đáng suy nghĩ.

Cuối tuần trước, Quốc hội đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Và vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tình hình lạm phát bùng phát. Nhiều đại biểu nói tăng trưởng GDP năm ngoái tăng vượt kế hoạch (6,78% so với 6,5%) là điều đáng ghi nhận, nhưng việc để lạm phát năm 2010 tăng lên 2 con số và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011 tăng vọt hơn 6% là điều rất đáng suy nghĩ.

CPI 3 tháng tăng vọt hơn 6%. Ảnh L.Anh
CPI 3 tháng tăng vọt hơn 6%. Ảnh L.Anh

Theo nhiều đại biểu, lạm phát tăng cao có nguyên nhân chủ quan là căn bản, nhất là việc hoạch định các chính sách thiên về tăng trưởng; phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ; điều hành kinh tế vĩ mô thiếu nhất quán, đầu năm chính sách thắt chặt nhưng cuối năm lại bung ra...

Bên cạnh đó, nguyên nhân có tính căn nguyên là xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đó là mô hình tăng trưởng kinh tế những năm qua dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển chiều rộng; phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao. Chính tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp đã tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nhập siêu cao, mất cân đối ngoại tệ...

Đó là những yếu tố mang tính cốt yếu, tác động xấu đến nền kinh tế không chỉ trước mắt mà còn cả trong trung và dài hạn, phản ảnh thực lực của nền kinh tế chưa mạnh và thiếu tính bền vững, đòi hỏi phải có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh ngay từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Vì vậy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc Chính phủ đã kịp thời có Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 và đề nghị Chính phủ phải kiên quyết, khẩn trương trong tổ chức thực hiện để các giải pháp nêu trên có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường niềm tin của thị trường và xã hội.

Được mời tham gia phát biểu, cả 2 thành viên Chính phủ là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đều đưa ra những số liệu và thông điệp mang tính “tạo niềm tin”. Chẳng hạn,  giải đáp mối lo lắng việc thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa,

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết lượng vốn tín dụng tăng lên năm nay vào khoảng 460.000 tỷ đồng (tương đương với năm 2010 về giá trị tuyệt đối) sẽ được tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp - nông thôn. Mới đây Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung giải quyết vấn đề cho vay của Ngân hàng Chính sách để hỗ trợ và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Cả 2 vị bộ trưởng cũng tranh thủ diễn đàn để kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương cùng vào cuộc để thực hiện Nghị quyết 11, nhất là về kiểm soát giá cả.

Thẳng thắn đề xuất với Chính phủ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng Nghị quyết 11 đã đưa ra những giải pháp đúng. Song, có toa thuốc đúng, nhưng “uống đúng liều, đúng thời gian, đúng theo toa” mới là vấn đề quan trọng. Theo ông Lịch, ưu tiên của ưu tiên về kinh tế năm 2011 là làm sao giữ lạm phát ở một con số. Bởi vì hiện nay lạm phát không thuần túy là vấn đề kinh tế, mà nó còn là vấn đề chính trị - xã hội.

Để kiềm chế lạm phát dưới 2 con số trong năm 2011, vấn đề quyết liệt là phải giảm tổng cầu. Yếu tố chính sách tiền tệ đã có giải pháp tương đối rõ, tức là tăng mức độ vừa phải tổng dư nợ tín dụng và cung tiền. Vấn đề khó là phải giảm đầu tư công và giảm chi tiêu công. Chính phủ không nên chỉ dừng ở chủ trương cắt giảm đầu tư công, mà nhân dịp này nên thay đổi phương thức phân bố quản lý về ngân sách, về đầu tư để tạo một nền nếp mới trong quản lý ngân sách, tránh tình trạng khi tình hình tương đối ổn định thì chúng ta lại quay lại cách cũ.

Vấn đề yếu kém từ lâu cần chấn chỉnh là điều hành chính sách tài khóa. Cần kiên quyết không chi ngân sách nhà nước vượt dự toán đã được phê duyệt, phải quản lý chặt chẽ các khoản chi có nguồn gốc ngân sách và việc ứng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ cần giao cụ thể chỉ tiêu cắt giảm vốn đầu tư cho mỗi ngành, mỗi địa phương. Việc cắt giảm các dự án cụ thể giao cho ngành và địa phương quyết định, không nên thành lập nhiều đoàn đi rà soát các dự án rồi mới cắt giảm, vừa mất thời gian vừa mang nặng tính hành chính trong thời điểm ”nước sôi lửa bỏng” phải có quyết sách mạnh thích ứng tình thế hiện nay.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác