Với quốc gia có dân số đứng thứ 14 của thế giới, Việt Nam được xem là vùng trũng rượu bia xét về khả năng tiêu thụ, năng lực sản xuất nội địa và mức độ gia tăng du nhập sản phẩm ngoại. Cũng như thuốc lá, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng này thật cao để kéo giảm tiêu thụ, lấy ngân sách bù đắp thiệt hại xã hội do chính nó gây ra. Tuy nhiên, việc ra quyết sách và bảo vệ “nồi cơm” của DN sản xuất bia dự báo sẽ ở thế giằng co.
Quyết sách và ngân sách (B1): Câu chuyện thuốc lá
Những con số đáng suy ngẫm
Nếu như trước đây, uống rượu được nâng lên thành nghệ thuật trong giao tiếp vào các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội hoặc giữa những người tri kỷ với nhau, thì nay người Việt đang làm mất đi tính văn hóa vốn có của nó. Từ nông thôn đến thành thị, công chức lẫn dân thường, hễ tụ tập là có rượu bia. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng hội họp, ký kết hợp đồng cũng mừng rượu bia...
Chủ một DN xây dựng cho biết, từ khi thương thảo đến lúc ký kết, thực hiện hợp đồng, ông và đối tác “họp” hàng chục lần trên bàn nhậu để chốt những nội dung quan trọng. Chia sẻ này khiến chúng ta không lấy làm ngạc nhiên trước “thành tích” ngành rượu bia Việt Nam tăng trưởng 2 con số, trong khi năm 2013 kinh tế nước ta còn chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với trên 60.000 DN đóng cửa, giải thể.
Lạm dụng rượu bia đối với người Việt là một trong những tác nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông, rạn nứt tình cảm gia đình, đảo lộn trật tự thang giá trị xã hội. Phần lớn quan điểm không đồng tình việc tiếp tục bình dân hóa rượu bia để cả xã hội chạy theo giải quyết hậu quả. Tư duy muốn được bảo hộ của các nhà sản xuất đã đến lúc cần loại bỏ khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào sân chơi khu vực và thế giới. Để cạnh tranh được với các đối thủ bên ngoài, DN phải chủ động nâng cao công nghệ, cải tiến chất lượng và đặc biệt có trách nhiệm xã hội nhiều hơn. |
Xu hướng uống rượu bia thiếu kiểm soát đang thúc đẩy Việt Nam gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ bình quân rượu bia/người/năm. Các số liệu thống kê cho thấy, trung bình Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu và 3 tỷ lít bia (năm 2013). Bình quân đầu người tiêu thụ 32 lít mỗi năm, xếp thứ nhất khu vực Asean và thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Và để trở thành quốc gia có “số” về thứ hạng tiêu thụ rượu bia như trên, người Việt đã tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là quốc gia vừa thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đứng 8/11 nước trong khu vực, Chính phủ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các nước để chăm lo phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng... thì con số người Việt tiêu thụ 3 tỷ lít bia và tiêu tốn 3 tỷ USD rất đáng suy ngẫm. Giá như con số tiêu thụ bia ở Việt Nam “khiêm tốn” hơn, có lẽ những câu chuyện chua xót “cô giáo chui vào túi ni-lông vượt suối” đến trường ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) sẽ khó xảy ra.
Xem qua các quy định hiện hành, đến nay có một số quy định nhằm hạn chế sử dụng rượu bia như: “uống rượu bia đến mức bê tha, hoặc uống rượu bia khi tham gia giao thông” sẽ bị phạt nặng. Đáng buồn là việc giám sát, thực thi, chế tài đi kèm cùng với những quy định trên khá hời hợt.
Còn nhớ năm 2013, tỉnh Quảng Trị tiến hành giám sát công chức bỏ nhiệm sở, la cà hàng quán, bằng cách ghi hình những cán bộ vi phạm để phát lên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Cách làm này lúc đó nghe ra rất “choáng” và dĩ nhiên được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận. Thế nhưng thử hỏi đến nay có bao nhiêu lãnh đạo, cán bộ công chức tỉnh Quảng Trị bị kỷ luật vì ăn nhậu trong giờ hành chính?
Hiện nay cũng đã có quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa. Nhưng thử hỏi có ai dám chắc công chức không ăn nhậu vào buổi trưa? Hay như quy định cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, nếu cứ uống và nộp phạt, e rằng khó ngăn chặn một cách căn cơ, mà còn tạo điều kiện cho một bộ phận CSGT “làm luật”.
Đã có thời CSGT ra quân trước các quán nhậu, ai ra khỏi quán phải ngậm ống thở, nếu nồng độ rượu bia cao sẽ bị phạt. Dư luận tranh cãi, các quán vắng tanh. Và hình như thấy điều gì đó bất ổn nên CSGT rút lui. Không ít chủ nhà hàng, trung tâm tổ chức tiệc cưới than: “Văn hóa người Việt vào nhà hàng, đi ăn tiệc nhất định phải uống rượu bia. CSGT cắm chốt trước nhà hàng thì khách nào dám tới”.
Lấn cấn quyết sách
Rượu bia ở Việt Nam tuy không được xem là một mặt hàng thiết yếu, nhưng là mặt hàng ít nhạy cảm với giá, tác động của các điều kiện lên kinh tế vĩ mô. Bằng chứng sức tiêu thụ không giảm vào thời điểm thắt chặt chi tiêu, thậm chí người dân có xu hướng lựa chọn các dòng rượu bia cao cấp, đắt tiền vì quan ngại về sức khỏe.
Theo dự báo, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, mức tiêu thụ rượu bia của năm 2014 sẽ tăng ít nhất trên 5% so với năm 2013. Các chuyên gia cho rằng, các dự báo cũng như khả năng hấp thụ bia tăng vọt trong vòng 1 thập niên qua chính là niềm tin để các DN vung tiền xây dựng nhà máy và nhập khẩu rượu bia ồ ạt.
Lấy thí dụ Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trong vòng 10 năm, sản lượng bia của Sabeco tăng đột biến từ 148,5 triệu lít lên 1,33 tỷ lít năm 2013 và sản lượng sẽ tăng nhanh khi các dự án nhà máy bia đang đầu tư trên khắp cả nước hoàn thành.
Ngoài 20 dự án đã đi vào hoạt động, hiện Sabeco đang đầu tư trên 1.400 tỷ đồng vào các nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang (600 tỷ đồng, công suất 50 triệu lít), Sài Gòn - Ninh Thuận ( 450 tỷ đồng, công suất 50 triệu lít), Sài Gòn - Cần Thơ (450 tỷ đồng, 50 triệu lít)… Tương tự, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) hiện cũng có cả chục nhà máy khắp miền Bắc, miền Trung. Ngoài 2 đại gia trên, thị trường có sự góp mặt hàng trăm nhãn hiệu bia ngoại làm chủ hoàn toàn phân khúc cao cấp.
Trong đó các thương hiệu như Heineken, Tiger, Carlsberg, Sapporo, Budweiser… sau thời gian thâm nhập trên thị trường, đang có kế hoạch đẩy mạnh liên doanh liên kết, xây dựng nhà máy, mở rộng kênh phân phối rộng rãi ở các tỉnh, thành. Nói như một chị chủ quầy rượu chợ Cũ (quận 1, TPHCM), hầu như các nhãn hiệu bia nổi tiếng trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam.
Ngành bia rượu Việt Nam tăng trưởng 2 con số dù kinh tế |
Chiến lược đầu tư ồ ạt của các nhà sản xuất bia cho thấy những tác động của các quy định hiện hành dường như không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu thụ trên thị trường. Bản thân ngành rượu bia mang lại nguồn thu ngân sách quá lớn, vì vậy chủ trương hạn chế rượu bia còn lấn cấn, giằng co với nhóm lợi ích DN trong ngành này. Câu chuyện tranh cãi tăng thuế TTĐB mới đây là một thí dụ điển hình.
Theo dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý, dự kiến từ ngày 1-7-2015, thuế suất của bia và rượu (20 độ trở lên) tăng từ 50% lên 65%, rượu (dưới 20 độ) tăng từ 25% lên 35%... Nếu đề xuất tăng thuế được áp dụng, dự kiến nguồn thu ngân sách từ bia năm 2016 tăng 7.800 tỷ đồng, năm 2017 tăng 9.000 tỷ đồng, năm 2018 tăng 10.300 tỷ đồng.
Với mặt hàng rượu, năm 2016 sẽ thu được 389 tỷ đồng, năm 2017 thu 447 tỷ đồng và năm 2018 là 514 tỷ đồng. Trong khi đó, các DN ngành rượu bia kịch liệt phản đối, cho rằng tăng thuế TTĐB trong bối cảnh hiện nay sẽ làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm nội địa, đồng thời tạo điều kiện cho bùng phát hàng lậu, dẫn đến mục tiêu tăng thu ngân sách và hạn chế sử dụng rượu bia không như dự kiến.