Quyết vượt mọi thách thức

(ĐTTCO) - Lãnh đạo TPHCM đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, trước tiên là giai đoạn 2020-2025. Ngoài tinh thần “không bế tắc” trong giải quyết vấn đề, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, còn xác định nhiệm vụ chuyển hướng tầm nhìn, quyết liệt hành động để TPHCM phát triển bền vững, tiếp tục là nơi hấp dẫn đối với người dân trên khắp cả nước.

Không né tránh khó khăn 

TPHCM hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 13% dân số của cả nước) và đóng góp khoảng 23% GDP, 28% thu ngân sách cả nước. TPHCM cũng là đô thị lớn nhất Việt Nam, thu hút người dân cả nước đến học tập, làm việc và sinh sống. Cứ trung bình mỗi 5 năm, dân số thành phố tăng khoảng 1 triệu người.

Điều này gây ra nhiều áp lực đối với TPHCM, nhất là với cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở, môi trường, dịch vụ thiết yếu. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng chỉ rõ: Tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng quy hoạch thiếu tầm nhìn, công tác quản lý quy hoạch chưa tốt càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hạ tầng của TPHCM chưa phát triển kịp tốc độ gia tăng dân số. Trong khi đó, do giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của người dân, dẫn đến việc phổ biến sử dụng phương tiện cá nhân. Đây là nguyên nhân chính của việc tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, thành phố không có nhiều mảng xanh; nhiều kênh mương, ao hồ bị san lấp để phát triển đô thị làm gia tăng ngập úng. Tựu trung, dù kinh tế TPHCM luôn tăng trưởng ở mức cao, nhưng môi trường bị ô nhiễm, ngập úng, lún mặt đất… lại đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Những thách thức trên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của TPHCM đối với cả nước, trong bối cảnh TPHCM phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, phải giữ năng suất lao động gấp 3 lần hoặc tăng hơn trong tương lai. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đề cập đến khó khăn thì không được né tránh.

Nhưng kèm đó, TPHCM phải luôn tìm kiếm các giải pháp khoa học và huy động được sự vào cuộc của đồng bào thành phố,  cùng tham gia giải quyết các khó khăn ấy. “TPHCM phải là thành phố không bế tắc trước những thách thức hiện nay”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trong một buổi thăm, nói chuyện với đội ngũ những người làm báo SGGP, đồng chí cũng khẳng định, trường hợp vẫn để xảy ra cảm nhận bế tắc ở đâu đó thì Đảng bộ và chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm. Đồng bào, người dân thành phố không chấp nhận TPHCM rơi vào trạng thái như vậy. Đây là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của chính quyền thành phố là phải công bố các giải pháp, cùng lộ trình giải quyết những bất cập hiện nay (như về kẹt xe, ngập nước…) nhằm khẳng định tinh thần không bế tắc. Việc này cũng nhằm thể hiện trách nhiệm trước người dân thành phố, từ đó huy động, khơi dậy được sự sáng tạo, đóng góp của người dân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức và kiều bào vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Giải pháp mới cho vấn đề cũ

TPHCM đang tập trung dự thảo văn kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Kế hoạch phát triển TPHCM trong các giai đoạn tiếp theo, cụ thể giai đoạn 2020-2025, cũng đang được chuẩn bị. Một trong những nhiệm vụ chính yếu là việc tiếp tục duy trì vị thế trung tâm kinh tế - văn hóa của TPHCM đối với cả nước.

Vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, điều này đòi hỏi TPHCM phải chuyển hướng tầm nhìn và chiến lược phát triển phù hợp cùng sự quyết liệt hành động. Có như thế mới đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường vị trí của TPHCM và tiếp tục là nơi hấp dẫn đối với người dân cả nước.

Quyết vượt mọi thách thức ảnh 1Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu kinh nghiệmphát triển giao thông công cộng tại Singapore 

Tinh thần trên được lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM chuyển tải sâu rộng đến toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhất là trong các buổi làm việc tại cơ sở. Lãnh đạo TP yêu cầu các sở - ngành chuyên môn, các địa phương nhận diện lại rõ những công việc còn vướng mắc, khó khăn; đề xuất giải pháp bổ sung để chủ động tìm lối ra.

Chẳng hạn, khi làm việc tại Sở Xây dựng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo TPHCM đặt ra nhiệm vụ nâng tầm trong tham mưu, để TP có giải pháp đúng đắn và không bị bế tắc trong phát triển đô thị. Yêu cầu đặt ra là phải tìm mọi biện pháp với tinh thần xử lý, giải quyết vấn đề của người dân, của thành phố bằng trách nhiệm, với giải pháp khoa học.

Nhằm tiếp cận phù hợp và khoa học hơn, lãnh đạo TPHCM cũng không ngừng tham khảo kinh nghiệm, giải pháp từ các nước phát triển. Đơn cử, để tìm kiếm giải pháp chống ngập, TPHCM cử đoàn đại biểu cấp cao đến tìm hiểu thực tế tại Nhật Bản, Hà Lan và mới nhất là tìm hiểu hệ thống đê chống ngập khổng lồ (dài 120km, tổng vốn đầu tư khoảng 55 tỷ USD, được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2050) bảo vệ thủ đô Jakarta (Indonesia).

Từ thực tiễn này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xem xét lại ý tưởng xây dựng hệ thống đê biển chống ngập úng cho TPHCM, từng được đề cập cách nay nhiều năm. Nếu xây đê sẽ không theo cách cũ, mà với cách tiếp cận mới. Hệ thống đê này sẽ phải là đê đa chức năng, là giải pháp tích hợp trong giải quyết ngập úng, phát triển giao thông (đường bộ, đường sắt, bến tàu công cộng) cũng như làm tăng giá trị kinh tế, phát triển đô thị ở khu vực.

Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh đến nhiệm vụ nâng cao trình độ nhân lực. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, mỗi quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững cần phải đảm bảo các nguồn lực lớn về tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ và con người.

Trong đó, nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để đi đường dài trong nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế ở TP, đòi hỏi phải có sự hợp tác lâu dài, mang tính chiến lược giữa TPHCM với quốc gia có nền giáo dục phát triển, như Singapore.

Để “đoàn tàu TPHCM” có quy mô kinh tế, dân số lớn nhất cả nước tăng tốc phát triển, TPHCM xác định nhiệm vụ xây dựng thành đô thị thông minh. Một trong những điểm nhấn của nhiệm vụ này là phát triển có dự báo, giúp TPHCM nhìn thấy được những vấn đề trong tương lai, từ đó tránh được những bế tắc cũng như tránh những sai lầm trong quyết định.

Mặt khác, lãnh đạo TPHCM cũng không ngừng kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Lãnh đạo TPHCM xác định “phải tìm đến tổ mời đại bàng” đầu tư vào TPHCM, nên trong các chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài, các đoàn đại biểu TPHCM đều tranh thủ tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư bản địa và tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào TPHCM. Trong những khoảnh khắc hạn hữu ấy, lãnh đạo TPHCM tận dụng tối đa, không câu nệ thời gian, không gian để trao đổi với nhà đầu tư nhiều nhất có thể. Ở trong nước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trên cương vị là tổ trưởng tổ công tác đầu tư của TPHCM, cũng tổ chức họp định kỳ, nhằm giải quyết nhanh thủ tục cho các dự án đầu tư vào thành phố.

Các tin khác