Đáng chú ý, ca bệnh số 45 được ghi nhận trong ngày là một nam thanh niên ở phường 7, quận Tân Bình, TPHCM có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.
Trong khi đó, ca bệnh số 46 (30 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ London (Anh) về Hà Nội ngày 9-3. Ca bệnh số 47 (nữ, 43 tuổi, ở phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) là người giúp việc trong toà nhà của ca bệnh số 17, có tiếp xúc gần và được xác nhận dương tính với Covid-19.
Như vậy tới 20 giờ tối 13-3, Việt Nam đã ghi nhận 47 người mắc Covid-19, trong đó 16 người đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện, các trường hợp khác trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Tại Bình Thuận, ngay sau khi ghi nhận thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở tỉnh lên 9 người, 2 tuyến đường ở trung tâm TP Phan Thiết đã được cách ly, phong tỏa để ngăn dịch lây lan. Theo đó, quyết định phong tỏa, cách ly được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành, chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 13-3 đến 0 giờ ngày 3-4. 2 tuyến đường tại Khu phố 2, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết bị cách ly, gồm: đường Hoàng Văn Thụ (đoạn từ nhà số 38 đến 48) và đường Ngô Sỹ Liên (đoạn từ nhà số 109 đến ngã tư Hoàng Văn Thụ - Ngô Sỹ Liên).
Phong tỏa 2 tuyến đường ở TP Phan Thiết, Bình Thuận để ngăn dịch lây lan
Theo thông tin từ UBND TP Phan Thiết, khu vực cách ly tại 2 tuyến đường này có 29 hộ dân đang sinh sống với gần 150 người. Tuyến đường phong tỏa là nơi có nhà của bệnh nhân thứ 38. Bệnh nhân này có quan hệ gia đình với nữ bệnh nhân số 34, bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân số 38 đã tiếp xúc gần với ít nhất 10 trường hợp và có 1 trong số đó đã nhiễm bệnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, sau quá trình sàng lọc, khoảng 70 đối tượng có tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm Covid-19 đã được đưa đi cách ly tập trung. Ngoài ra, hàng chục đối tượng khác có liên quan đến những người đi cách ly tập trung được cách ly, theo dõi tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận đã có phương án dự phòng thêm 2 khu cách ly, nếu trường hợp khu cách ly ở Trung đoàn 812 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) quá tải.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết, hiện sức khỏe của 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều ổn định, tiến triển tốt. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là cháu bé gần 2 tuổi (cháu ngoại của bệnh nhân số 34) sức khỏe vẫn bình thường, không có biểu hiện ho, sốt.
Chiều 13-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh số 45, ngành y tế TP đã triển khai các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người tiếp xúc, cho cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm. Tính tới 21 giờ ngày 13-3, 21 mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trên đều có kết quả âm tính, trong đó có 6 người trong gia đình bệnh nhân, 6 người trong lớp giáo lý và 9 người sống trong hai nhà cạnh bên.
Trưa 13-3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã yêu cầu cảng Chân Mây tạm thời không đón tàu du lịch biển; các rạp chiếu phim, quán bar trên địa bàn cũng tạm thời đóng cửa để hạn chế tụ tập đông người... Cùng ngày, UBND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động đưa, đón khách tham quan, du lịch ra đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn).
Tối cùng ngày, UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở bàn bạc, đồng thuận của Chủ tịch tập đoàn F1, Chủ tịch FIA, Giám đốc Công ty Việt Nam Grand Prix và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi đến thống nhất hoãn chặng đua F1 tại Hà Nội theo lịch đã công bố diễn ra từ ngày 3-4-2020 đến 5-4-2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 13-3, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2. Theo đó, thời gian kết thúc năm học trước ngày 15-7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11-8. Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh địa phương.
Cùng ngày, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học. Các sở GD-ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở GD-ĐT để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua internet. Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm yêu cầu cơ sở đào tạo căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo có thể sử dụng các phương thức đào tạo từ xa đối với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học.