Rà soát Luật Doanh nghiệp

Khi rà soát Luật doanh nghiệp (DN) năm 2005, dựa trên 4 tiêu chí: minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi, các chuyên gia nhận xét: Luật DN đang có không ít tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động đăng ký kinh doanh của DN.

Khi rà soát Luật doanh nghiệp (DN) năm 2005, dựa trên 4 tiêu chí: minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi, các chuyên gia nhận xét: Luật DN đang có không ít tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động đăng ký kinh doanh của DN.

Thông tư “đá” Luật DN

Theo Điều 7.1 Luật DN năm 2005, DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Tuy nhiên, Điều 5 Thông tư 14/2010 quy định ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN phải được lựa chọn từ hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Các chuyên gia thực hiện việc rà soát Luật DN năm 2005 phân tích: “Trong thực tế có những trường hợp ngành nghề DN dự định kinh doanh không thuộc những ngành nghề bị cấm kinh doanh, bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện, nhưng lại không có trong mã số ngành nghề đăng ký kinh doanh được quy định trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Đây chính là điểm vướng mắc trong thi hành Luật DN và chưa phù hợp với nguyên tắc DN được quyền chủ động lựa chọn ngành nghề kinh doanh theo quy định tại Điều 8.1 Luật DN năm 2005”.

Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM. Ảnh LÃ ANH

Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM. Ảnh LÃ ANH

Mặt khác, việc áp mã số ngành nghề trên thực tế rất khó do có sự không tương thích giữa ngành nghề đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh tế Việt Nam. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là của người dân, người dân có quyền đăng ký những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng luật sư Đắc Nhân Tâm, Luật DN năm 2005 không quy định về việc ghi mã ngành, song Nghị định 43/2010 lại yêu cầu DN khi đăng ký hoạt động phải ghi mã ngành. Trong thực tế, việc bắt buộc DN thực hiện việc này khi lập hồ sơ thành lập DN đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho DN, vì khi ngành nghề đó không có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, buộc họ phải tra cứu, tìm hiểu ở rất nhiều văn bản, quy định khác mà họ không am hiểu và nắm vững.

Với quy định này, Nghị định 43/2010 đã làm cho công việc của cơ quan chức năng và DN chồng chéo lên nhau, lặp đi lặp lại, và việc phải ghi mã ngành trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là một trở ngại không nhỏ và hoàn toàn không có ý nghĩa đối với DN.

Lấn cấn áp dụng theo quốc tế hay quốc nội

Một điều gây vướng mắc đối với các CTCP là quy định về tỷ lệ biểu quyết. Điều 3.3 Luật DN năm 2005 quy định: “Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này, thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế”.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 71 phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO, trong đó quy định: Công ty TNHH, CTCP được quyền quy định trong điều lệ công ty các nội dung như tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của hội đồng thành viên, đại hội cổ đông.

Tuy nhiên, Luật DN năm 2005 lại quy định tỷ lệ tối thiểu cần có để thông qua quyết định của hội đồng thành viên, đại hội cổ đông là 65%. Điều này mâu thuẫn với cam kết WTO của Việt Nam.

Đối với vấn đề biểu quyết tại hội đồng thành viên và đại hội cổ đông, Luật DN năm 2005 quy định tỷ lệ tối thiểu mà các chủ sở hữu có quyền thỏa thuận trong điều lệ là 65% hoặc 75% tùy trường hợp. Theo các chuyên gia, việc ấn định tỷ lệ biểu quyết ít nhất 65% và 75% như Luật DN năm 2005 là không hợp lý, hạn chế quyền thỏa thuận của các chủ sở hữu.

Các quốc gia trên thế giới hiện nay, thông lệ quốc tế và Luật DN năm 1999 đều áp dụng tỷ lệ đa số tối thiểu 51% trong quản trị công ty. Lấy lý do bảo vệ cổ đông thiểu số để nâng tỷ lệ biểu quyết lên quá cao như Luật DN năm 2005 có thể gây bế tắc trong hoạt động kinh doanh cho công ty - vì điều này lại chưa tính đến trường hợp cổ đông nhỏ lợi dụng quyền phủ quyết của mình làm cho hoạt động của công ty đình trệ nhằm mưu cầu lợi ích riêng khiến nhiều công ty niêm yết không triệu tập được cuộc họp do không đủ 65% số cổ phần đến dự họp.

Mặt khác, quy định này cũng không thực tế bởi cổ đông nhà nước dù có thể chỉ nắm 30% cổ phần đã có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng, gây khó khăn trong điều hành DN.

Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Nghị quyết 71. Đã đến lúc sự nhượng bộ của Luật DN năm 2005 trước thông lệ quốc tế về nguyên tắc quản trị công ty trong quá trình đàm phán gia nhập WTO phải được tôn trọng, nhất là quyền thỏa thuận của các chủ sở hữu về điều lệ.

Nên sửa Luật DN 2005 theo đúng tinh thần Nghị quyết 71 áp dụng tỷ lệ 51% cho tất cả các DN. Và về lâu dài, cần sửa Luật DN theo đúng nguyên tắc của luật và thông lệ quốc tế.

Các tin khác