Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý các quỹ đất cũng như rà soát các dự án thương mại triển khai dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 trong thời gian tới để khuyến nghị các chủ dự án tự bố trí thêm phần diện tích đỗ xe phục vụ giao thông công cộng, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; đặc biệt là khuyến khích bố trí thêm diện tích không gian ngầm để tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga.
Trước đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, có ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 đến năm 2026. Theo quyết định ban đầu, dự án thực hiện trong giai đoạn 2014-2019 nhưng do tiến độ dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bị điều chỉnh nên dự án này phải điều chỉnh theo cho phù hợp.
Đồng thời, TPHCM cũng kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 1.353 tỷ đồng lên 1.489 tỷ đồng do các yếu tố liên quan đến trượt giá, tỷ giá thay đổi và quy định về quản lý chi phí đầu tư.
Theo UBND TPHCM, việc thay đổi này chỉ tăng vốn đối ứng từ 126 tỷ đồng lên 151 tỷ đồng, tổng giá trị khoản vay ODA của dự án đã ký với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) sẽ giữ nguyên là 58,95 triệu USD. Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến đủ đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cho các gói thầu của dự án dự kiến kết thúc vào tháng 12-2026.