Rao bán pháo nổ rầm rộ qua mạng xã hội

(ĐTTCO) - Mặc dù đã bị cấm từ nhiều năm qua, nhưng cứ gần đến Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán trái phép pháo nổ lại sôi động. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã bày bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, bất chấp các quy định cấm của pháp luật.
Phóng viên trong vai người mua, nhận pháo nổ từ đôi nam nữ tại cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp, TPHCM)
Phóng viên trong vai người mua, nhận pháo nổ từ đôi nam nữ tại cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp, TPHCM)
 Lần theo một số địa chỉ, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận thực trạng này.
Mua bán công khai
Trong vai người có nhu cầu mua pháo chơi dịp tết, chúng tôi thâm nhập vào một số hội nhóm mua bán pháo trên mạng xã hội và ghi nhận tình trạng mua bán pháo nổ rất sôi động. Ngày 6-12, chúng tôi liên hệ với một tài khoản có tên H.Cường, người này giới thiệu có bán nhiều loại pháo hoa dàn loại 49 quả và 36 quả; pháo trứng, pháo diêm loại băng dây, giá dao động từ 100.000 đồng - 1,6 triệu đồng. H.Cường quảng cáo: “Các loại pháo hoa chủ yếu lấy mối từ Trung Quốc, lên hoa đẹp, nổ đều và không bị lép. Nếu đồng ý mua phải chuyển tiền trước và giao hàng tận tay chứ không thể gửi qua các đơn vị dịch vụ vận chuyển”.
Liên hệ với đối tượng có tên T.Hưng (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM), người này cũng rao bán pháo bi nổ, mức giá từ 450.000-700.000 đồng/gói/100 quả. Nếu lấy sỉ, giá sẽ rẻ hơn nhưng phải trên 5 gói. Để tạo niềm tin, T.Hưng cho biết sẽ nhận giao hàng đến tận nơi trên địa bàn TPHCM, kiểm tra rồi mới thanh toán. Chúng tôi ngỏ ý mua 1 gói pháo bi nổ loại nhỏ (100 quả), được T.Hưng ra giá 500.000 đồng, bao phí vận chuyển và hẹn 1 ngày sau sẽ có. Chiều 9-12, T.Hưng và một người phụ nữ hẹn chúng tôi tại chân cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp, TPHCM) để giao pháo và nhận tiền như thỏa thuận. Nhét tiền vô túi, T.Hưng nhắn nhủ chúng tôi đốt chơi cẩn thận, cuối năm công an đang làm rất gắt và bao pháo nổ giòn, to, đều. T.Hưng nói, giáp Tết Nguyên đán có nhiều mối bán hơn và cần bao nhiêu cũng có.
Thực thi chế tài chưa nghiêm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ được phép sử dụng các loại pháo hoa tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc chứ không gây ra tiếng nổ, không chứa thuốc nổ vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Vậy nhưng tình trạng mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ vẫn diễn ra.
Anh Lưu Gia Phú (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho rằng, dù pháp luật nghiêm cấm, nhưng vào các dịp tết vẫn thấy người dân ở một số địa phương đốt pháo nổ ầm ầm, thậm chí còn đăng tải hình ảnh, video lên mạng xã hội. Chính nhu cầu tiêu thụ của người dân là điều kiện để hoạt động mua bán pháo nổ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức. Còn chị Nguyễn Mỹ Trinh (27 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) nhìn nhận, ranh giới giữa pháo hoa không nổ và pháo hoa nổ là rất gần, dễ gây hiểu lầm. Vì vậy, cơ quan chức năng nên có những biện pháp, ngăn chặn nạn mua bán, sử dụng pháo nổ tràn lan như hiện nay.
Theo luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn luật sư TPHCM, pháp luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 167/2013 và Thông tư liên tịch số 06/2008, người có hành vi mua, bán, tàng trữ pháo nổ thì bị xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm. Ngoài ra, có thể bị phạt tù chung thân hoặc quản chế, cấm cư trú từ 1-5 năm. Riêng đối với tội danh buôn lậu, ngoài phạt hành chính thì có thể phạt tù 15-20 năm. Đối với người sử dụng pháo nổ sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu TNHS về tội gây rối trật tự công cộng, có thể phạt tù đến 7 năm. Nếu đốt pháo gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác thì bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích...
Với quy định hiện hành, các chế tài đã khá rõ ràng, nhưng thực tế việc thực thi chưa nghiêm. Do đó, các cơ quan chức năng, cụ thể là lực lượng công an cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có vậy người dân mới bớt đi sự lo lắng trước những mối nguy có thể gây hỏa hoạn, tai nạn, thương tật từ hoạt động sử dụng pháo nổ trái phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Các tin khác