![]() |
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) đã công bố kết quả khảo sát chất lượng nguồn nhân lực Việt đối với 350 công ty trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.
Cụ thể, 66% DN nước ngoài và 40% DN trong nước được khảo sát cho rằng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, là trở ngại đối với sự phát triển của DN.
Trên thực tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam thường được đánh giá là có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh này đang dần bị mất đi, nước ta liên tục bị tụt hạng trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu vì thiếu lao động được đào tạo bài bản để đáp ứng những khâu sản xuất quan trọng. Hơn nữa, hiệu suất lao động còn nhiều yếu kém.
Trong lĩnh vực dệt thoi, 1 công nhân Việt Nam chỉ đứng được 10 máy với hiệu suất làm việc là 80%, trong khi đó, 1 công nhân Đài Loan đứng khoảng 30-40 máy với hiệu suất 90%. Hiện năng suất lao động trong ngành dệt của Việt Nam chỉ bằng 90% của Trung Quốc và 85% của Thái Lan.
Nhiều ngành công nghiệp trong nước muốn thoát khỏi gia công, tiến đến những hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng cao nhưng vẫn dậm chân tại chỗ vì thiếu lao động có trình độ, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao. Cũng vì lý do này, đa số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ mới đầu tư dự án thực hiện khâu gia công, lắp ráp có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ lẫn giá trị thấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, để nền kinh tế phát triển bền vững, nhất thiết phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực. Hiện nay, cấu trúc thị trường ở Việt nam không đồng bộ. Trong đó, thị trường lao động là thị trường cơ bản nhất nhưng lại kém phát triển nhất và không được các DN quan tâm đúng mức.
Đồng thời, quản trị nhân lực ở Việt Nam rất kém, ít DN dám đầu tư chi phí nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có. Khi cần nhân lực chất lượng cao, họ thường tìm cách thu hút nhân tài từ các công ty khác bằng mức lương cao. Do nguồn nhân lực không được nâng cấp nên khả năng cạnh tranh của đa số DN Việt Nam đều ở mức trung bình.
Hiện nay, các chương trình đào tạo trong nước chỉ mới cung cấp những kiến thức căn bản về các ngành nghề. Chỉ khi nào các DN Việt Nam với đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm chung tay hỗ trợ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động sắp cũng như mới ra trường, mới có thể cải thiện được chất lượng nguồn lao động cho thị trường.
Đối với đội ngũ công nhân trình độ thấp, nếu DN mạnh dạn đầu tư mở các lớp đào tạo qua các lớp phát triển kỹ năng, kỹ thuật, thực hiện tăng lương theo từng cấp bậc tay nghề khác nhau, chắc chắn người lao động cảm thấy có động lực để phấn đấu nâng cao trình độ của mình.