Rào cản xuất khẩu vào thị trường Mỹ: Trái bóng trách nhiệm nằm ở đâu?

(ĐTTCO)-Hàng loạt DN Việt Nam bị từ chối xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ mà không hiểu lý do. Trong đó, có những DN đã có thâm niên xuất khẩu vào Mỹ hơn 10 năm.
 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM
Chế biến tôm xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM
Đầu năm 2017, đã có 806 doanh nghiệp Việt Nam bị ngưng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân là do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã có những quy định mới trong Luật An toàn thực phẩm. Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không được cảnh báo trước những thay đổi trên?

Trống đánh xuôi…

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ, cách đây hơn 3 tháng, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm và đồ uống vào Mỹ cần kiểm tra lại mã số kinh doanh hợp lệ với FDA trước khi xuất hàng vào Mỹ. 

Trong đó nêu rõ, kể từ năm 2017, FDA đã thay đổi phương pháp thẩm tra để cấp mã số kinh doanh mới và quy định thêm: sau khi được các cơ sở sản xuất chỉ định và đăng ký với FDA, người đại diện tại Mỹ bắt buộc phải có thư hoặc văn bản gửi cho FDA xác nhận đồng ý làm người đại diện tại Mỹ cho cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Nếu FDA không nhận được thư hoặc văn bản này thì việc đăng ký lại coi như chưa hoàn tất và mã số kinh doanh sẽ bị hủy.

Trước đó, để doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ động hơn trong việc đăng ký thông tin với FDA, liên tục vào tháng 9-2012, tháng 9-2014, tháng 8-2016, nghĩa là vào các năm chẵn theo quy định của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ luôn thông tin khuyến cáo cho các DN phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và đăng ký lại người đại diện tại Mỹ với FDA. 

Ông Đào Trần Nhân khẳng định, Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ không phải là luật mới. Luật này đã được Tổng thống Obama ký ban hành từ ngày 4-1-2011. Ngay từ khi Mỹ ban hành luật này, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã gửi toàn bộ nội dung gồm các quy định có liên quan và có báo cáo về cơ quan chức năng của Việt Nam là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam cho nghiên cứu xem xét kỹ luật này để hướng dẫn cho DN Việt Nam. Kiến nghị mời các chuyên gia, tư vấn của Mỹ vào tổ chức các hội thảo, các khóa tập huấn cho DN về các quy định mới của luật. Tránh để tình trạng khi hàng thực phẩm xuất khẩu của ta vào Mỹ bị ách tắc, bị thu hồi mới chạy theo giải quyết. 

Luật Hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đưa vào nội dung các báo cáo thị trường hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và báo cáo năm của Thương vụ gửi về Bộ Công thương từ đầu năm 2011 đến nay. Gần đây nhất, vào tháng 2-2017, Thương vụ cũng cung cấp thông tin này để đưa vào cuốn sách Hướng dẫn Thị trường xuất khẩu do Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương xuất bản.

Như vậy, với vai trò là “Thổ công” tại thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã nắm chắc và nhận thức được rõ trách nhiệm phải thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo những thay đổi trong chính sách, luật lệ, quy định về thương mại và xuất nhập khẩu tại thị trường sở tại cho cộng đồng DN trong nước.

Kèn thổi ngược

Thế nhưng, ở chiều ý kiến ngược lại, DN cho rằng họ vẫn không tiếp cận được những thông tin cảnh báo trên. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, từ đầu năm 2017, hàng loạt DN Việt Nam bị từ chối xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ mà không hiểu lý do. Trong đó, có những DN đã có thâm niên xuất khẩu vào Mỹ hơn 10 năm nay. Ngay sau đó, hội đã cử một đoàn chuyên gia sang làm việc trực tiếp với FDA Mỹ và được biết đã có những thay đổi trong quy định mới Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, hội đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan nhưng một số bộ chủ quản “dường như” chưa nắm rõ những thay đổi mới này. 

Đồng quan điểm trên, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM chia sẻ, cho đến nay hội vẫn không nhận được cảnh báo nào từ cơ quan chức năng liên quan đến những thay đổi mới cũng như những khuyến cáo thực hiện các giải pháp để DN không bị lọt vào danh sách cấm xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ. Thậm chí, có những cơ sở sản xuất do không biết mã số kinh doanh với FDA đã bị hủy và không còn giá trị nên vẫn cứ xuất hàng vào Mỹ. Hậu quả, DN bị từ chối không cho giao hàng hoặc tàu chở hàng bị từ chối không cho cập cảng hoặc bị buộc phải tiêu hủy hàng. Thậm chí, có DN xuất khẩu còn bị phạt tiền, bị khởi tố hình sự vì phía Mỹ coi đây là hành động “bị cấm nhưng vẫn làm”, trái với quy định của luật pháp Mỹ. Điều này cho thấy, vai trò của các bộ ngành liên quan mà cụ thể là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT còn rất mờ nhạt trong việc cảnh báo cũng như định hướng thị trường cho DN. 

Để có thể giảm rủi ro cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN nói chung, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Gạo Trung An, cho rằng, phải giao trách nhiệm cho một bộ cụ thể thành lập trang thông tin về diễn biến thị trường trong và ngoài nước. 

Trang thông tin này phải cung cấp, cũng như đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đảm bảo cho DN có lộ trình chuyển đổi hoạt động sản xuất, thủ tục cần thiết để đáp ứng yêu cầu thay đổi trên thị trường. Bên cạnh đó, phải thường xuyên thông qua các kênh hội thảo, tập huấn, truyền thông để thông tin kịp thời những thay đổi trong các quy định nói chung cho hiệp hội, DN. 

Riêng về phía DN, cần chủ động làm việc thường xuyên với các đơn vị tư vấn thị trường tại Việt Nam để nắm bắt kịp những quy định mới cũng như hoàn thiện những thủ tục pháp lý liên quan để giảm thiểu những rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh cho biết thêm, về phía Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đã làm việc với FDA Mỹ và các đơn vị tư vấn để xây dựng bộ tiêu chí cho Hàng Việt Nam - Chuẩn hội nhập. Trong thời gian tới, hội sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức cho các DN để cải thiện hoạt động sản xuất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, từng bước tháo gỡ những nút thắt rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Các tin khác