Rau sạch tự nhiên và rau sạch… siêu thị

Rau sạch tự nhiên và rau sạch… siêu thị

1. Gần như hàng tháng, tôi đều về thăm gia đình ở Đồng Nai, nhân tiện hái ít trái cây, đặc biệt là rau, đem về thành phố. Rau hái tươi, rửa sạch, để ráo, gói vào lá chuối tươi rồi để trong tủ lạnh, có thể ăn dần trong cả tuần. Thật tuyệt.

Này là rau càng cua hay mọc trong các bụi chuối, dưới các kẹt đá, lá xanh phơn phớt tươi non. Rau này trộn gỏi thịt bò hoặc trộn chanh đường với chút hạt điều hay đậu phộng thì hết sẩy. Hay rau má mọc ở chỗ ẩm ướt có nhiều ánh sáng, thành những vệt dài. Lựa chỗ non, cắt sát gốc, đem nấu canh với thịt bằm hoặc ăn sống đều rất ngon.

Thêm nữa, mùa nắng mà có món rau má xay sinh tố, giải nhiệt rất tốt. Rồi rau sam, rau dền mọc đầy dưới gốc quýt, gốc bưởi. Sau mùa mưa, đến hồi lấy trái trở lại, quýt bưởi được tưới đẫm nước, chỉ mấy ngày sau, rau đã mọc lên xanh um. Loại rau này luộc chấm nước thịt kho, hoặc nấu canh thịt bằm cũng rất mát.

Chưa hết, rau mồng tơi mọc dại, cọng mập như chiếc đũa, lá to như bàn tay em bé. Canh mồng tơi nấu cua, tôm với mướp thì vừa mát, vừa… hao cơm. Mà mướp cũng có sẵn, dù chỉ có trong mùa mưa. Loại mướp hương trái nhỏ, thơm ngát hay mọc trên bờ rào, leo lên cây điều rồi rủ trái. Này là rau ngót lá xanh đen. Loại rau này chỉ non vào mùa mưa, nhưng mẹ tôi vẫn có cách khiến nó non quanh năm: khi ngót già và nở hoa, bà cắt sát gốc và tưới nước, chỉ độ mươi ngày sau đọt mới mọc non nhẫn. Rau nấu canh tôm cũng rất ngon.

Này là đọt ớt non mọc dại. Loại ớt hiểm trái nhỏ, rất cay nhưng lá ăn lại rất hiền, có thể nấu canh hoặc xào thịt bò đều ngon. Trong vườn còn có cả lá giấm chua thanh dùng để nấu canh chua, có khi ăn luôn cả lá. Trái giấm có màu đỏ tươi dùng để nấu chua cũng rất ngon, lại cho màu hồng nhạt khá đẹp mắt… Và còn bao nhiêu thứ khác nữa.

Rau mọc nhiều, lắm lúc người nhà phải cho xịt thuốc chết bớt, chỉ chừa lại vài chỗ non tốt để ăn. Mà có thể ăn trường kỳ, cứ hái lá, ngắt ngọn rồi nó tự mọc lại, tươi hơn, non hơn. Vài chỗ “quên” hái, để già nên kết trái, hạt vương vãi đâu đó. Mùa mưa năm sau lại lên cây. Cứ thế, ăn mãi.

Ăn rau sạch dĩ nhiên rất ngon lại đảm bảo sức khỏe. Rau mọc dại còn giữ được hương vị đặc trưng đậm đà của từng loại, khác xa với loại rau trồng bị “ép” lớn nhanh để bán nên có phần nhạt nhẽo. Cái vị đăng đắng của rau má, mùi hăng hăng của rau càng cua, vị chua chua của rau sam hay mùi hương nồng nàn của mướp… đều không lẫn vào đâu được.

Ăn rau trong vườn nhà không tốn tiền lại càng hay. Hái từng cọng rau, tôi không chỉ tiết kiệm được ít tiền chợ, còn nhớ lại thuở nào mẹ tôi cũng hái từng lá rau bán cho tôi có tiền học đại học. Trong bữa ăn, tôi hay đem những chuyện này nói lại với các con, cho chúng hiểu truyền thống gia đình thế nào mà định hướng nhân cách, tính cách. Nhưng hay nhất là trong mỗi bữa cơm được thưởng thức món ăn của quê nhà. Nó giản dị, đạm bạc mà cũng đậm đà tình nghĩa quê hương.

2. Lâu nay, nói đến “rau sạch”, người ta hay nghĩ đến một số loại được bán trong các cửa hàng có đóng mác “sản phẩm sạch” hoặc trong các siêu thị. Theo quy trình, các loại rau đó phải được trồng theo yêu cầu nghiêm ngặt về việc chọn giống, bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc trừ sâu…

Chẳng hạn, rau được coi là sạch phải chọn những giống đảm bảo chất lượng, năng suất cao, kháng sâu bệnh, nơi trồng phải được sát trùng, đảm bảo không tồn tại một số mầm bệnh, trồng trong nhà kính, việc tưới nước theo quy trình phù hợp, hạn chế bón phân vô cơ, bón phân hữu cơ phải theo đảm bảo các yêu cầu khắt khe (loại phân, thời gian, số lượng…), ít hoặc không dùng thuốc trừ sâu bệnh, nếu có dùng các loại thuốc sinh học, phòng ngừa hoặc bắt bằng tay là chính…

Thực ra chúng ta đâu ai biết rằng có bao nhiêu phần trăm rau đang bán ở những nơi được coi là sạch, liệu có thực sự sạch hay không? Bởi đã từng có trường hợp rau trôi nổi được đưa vào siêu thị và trở thành rau VietGap đó thôi. Hay ta lâu nay vẫn “thủ thỉ” với nhau rằng “rau có sâu là rau sạch”, vì vậy có người cố tìm vài cọng rau bị sâu ăn lỗ chỗ bỏ lẫn vào mớ rau tươi non khác, thậm chí còn bắt cả sâu bỏ vào bó rau, để chứng minh rằng nó sạch. Sự chứng minh đó, với một số người có vẻ thuyết phục hơn nhiều so với các giấy chứng nhận, vốn hiện nay có rất nhiều, đến độ người ta còn có giấy chứng nhận cho giấy chứng nhận rằng nó là thật.

Mọi người dân có quyền được ăn rau sạch. Thế nhưng liệu các loại rau chúng ta ăn hàng ngày, dù có giấy chứng nhận, dù được rửa kỹ bằng nước muối, bằng thuốc tím, bằng nước ozone… có thực sự sạch? Hay chúng ta cứ nhắm mắt làm ngơ?

3. Những thứ rau dân dã mọc hoang đó bây giờ ở thành thị lại trở thành đặc sản. Vào nhà hàng, mồng tơi xào tỏi hay rau càng cua trộn thịt bò, rau dền nấu cua, rau lang luộc chấm kho quẹt… được nhiều người ưa chuộng và giá cả chẳng rẻ chút nào. Nhưng ai dám đảm bảo đó là rau sạch?

Ngẫm lại, dường như có một “xu hướng đi ngược” trong sinh hoạt, ăn uống. Những thứ ngày trước vẫn thường dùng, có một lúc bị coi là “nhà quê”, “nhà nghèo”, nay xuất hiện trở lại ở vị thế khác hẳn. Như ngày nào người miền Tây toàn ở nhà lá dừa nước, sau đó người ta “tôn hóa”, “ngói hóa”, bây giờ nhiều người (nhất là ở thành thị), người ta lại thích lợp lá, vừa cho mát vừa mang tính dân dã, mộc mạc. Nói gì đến rau mọc dại.

Nhưng đó là việc của xã hội. Còn việc của nhà quản lý phải luôn bảo đảm những thứ trở thành thức ăn đều phải sạch, sạch thực sự chứ không phải chỉ bằng các giấy chứng nhận. Vì rau sạch góp phần bảo đảm dinh dưỡng và chất lượng của bữa ăn, góp phần vấn đề sức khỏe nòi giống…

Suy cho cùng là như vậy, chứ không phải thông qua những con số cấp bao nhiêu giấy phép rau sạch, bắt bao nhiêu vụ đưa ra không sạch vào siêu thị, giảm được bao nhiêu vụ ngộ độc thực phẩm…

Các tin khác