“Rúng động nghi án lừa đảo” - Những chiếc vòi hút tiền

LTS: Sau bài báo “Rúng động nghi án lừa đảo” đăng trên ĐTTC ra ngày 6-10, giới đầu tư bắt đầu bàn tán về 2 nhân vật P. “đen” và N. được nhắc đến trong bài. Nhân vật N. bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Bộ Công an - khởi tố và bắt tạm giam. Đó là bà Huỳnh Thị Huyền Như, thành viên HĐQT của CTCK Phương Đông (ORS). ĐTTC thông tin tiếp về vụ việc lùm xùm này.

LTS: Sau bài báo “Rúng động nghi án lừa đảo” đăng trên ĐTTC ra ngày 6-10, giới đầu tư bắt đầu bàn tán về 2 nhân vật P. “đen” và N. được nhắc đến trong bài. Nhân vật N. bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Bộ Công an - khởi tố và bắt tạm giam. Đó là bà Huỳnh Thị Huyền Như, thành viên HĐQT của CTCK Phương Đông (ORS). ĐTTC thông tin tiếp về vụ việc lùm xùm này.

CTCK vô can?

 Theo nguồn tin của  ĐTTC, tại thời điểm Huỳnh Thị Huyền Như  bị bắt, một số môi giới đã tìm đến nhà P. “đen” để tìm cách siết tài sản, nhưng bất thành. Những môi giới này hiện đang tìm cách báo cáo với các cơ quan chức năng để giữ P. “đen” ở lại vì có tin nhân vật này đang tìm cách bỏ trốn.

Trên sàn HNX, nơi ORS niêm yết, lệnh bán sàn CP này chất đống và đến cuối phiên đã có hơn 1 triệu CP được bán ra với giá khoảng 3.800 đồng/CP. Trong hai ngày 6 và 7-10, KLGD của ORS tăng đột biến từ mốc trăm nghìn đạt đến con số hàng triệu CP được bán và mua.

Đến trưa cùng ngày ORS cũng đã công bố thông tin bất thường về những vấn đề có liên quan đến thành viên HĐQT. Theo đó, ORS cho biết bà Huỳnh Thị Huyền Như được một nhóm cổ đông đề cử và bầu làm thành viên HĐQT của ORS từ ngày 18-5-2011.

ORS khẳng định bà này không mở tài khoản giao dịch CK tại công ty mình và không hề có bất kỳ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, ORS hiện có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2010, một số  cổ đông lớn sở hữu ORS gồm có NHTMCP Phương Đông (OCB) 11%, Savico 10%, TCT Bến Thành 7,5%... Quý II, ORS lỗ hơn 10 tỷ đồng, sau nửa năm lỗ khoảng 8 tỷ đồng.

So với nhiều CTCK khác con số này không phải quá lớn, dù vậy thị giá của ORS những tháng vừa qua được xếp vào loại bèo nhất thị trường, chỉ quanh quẩn từ 3.000-5.000 đồng/CP.

Cho đến thời điểm hiện nay, có 2 CTCK khẳng định bà Huỳnh Thị Huyền Như không mở tài khoản giao dịch tại công ty của họ. Tuy nhiên giới CK đều biết rằng không cần là khách hàng VIP, việc một người bình thường sử dụng giấy CMND của người thân, thậm chí là bạn bè để giao dịch CK là chuyện hết sức quen thuộc. Do vậy, với bà Như là một khách hàng VIP có cần mở tài khoản mang tên mình? Thực hư có như công bố?

Thủ thuật lừa đảo

 Sàn CK vắng vẻ, nay thêm vụ nghi án lừa đảo càng làm NĐT ngao ngán. Ảnh. LÃ ANH

 Sàn CK vắng vẻ, nay thêm vụ nghi án lừa đảo càng làm NĐT ngao ngán. Ảnh. LÃ ANH

Theo tiết lộ của những người môi giới OTC kỳ cựu, bà Như được xem như “trùm” và có một số vòi bạch tuộc để “hút” tiền từ bên ngoài. Vòi bạch tuộc thứ nhất chính là P. “đen” mà theo giới đại gia CK cho biết xuất thân là… ôsin của một đại gia tên Ng. Giai đoạn 2006-2007, chỉ cần làm môi giới cho 1 lô 10.000 CP Eximbank là đã thu về được 5 triệu đồng.

Và thông thường, các đại gia thường có một người phụ việc đếm tiền, chuyển tiền, thực hiện sổ sách. P. đen “may mắn” được theo chị Ng. và chỉ sau một thời gian ngắn đã nắm bắt được các mối khách hàng, cách thức giao dịch chốt giá, đẩy hàng ra sao. Nhờ vậy sau một vài lần “ôm” CP OTC đã tích lũy được cho mình một số vốn kha khá P. đen bắt đầu ra riêng.

Năm 2008, khi TTCK đi xuống, P. đen chuyển dần sang cho vay đáo hạn kèm theo huy động vốn với lãi suất cao. Điểm rất đáng “nể” của P. đen là nhân vật này tỏ ra là mình có “uy tín” để “thu phục” những con mồi. Một môi giới OTC bị P. đen lừa đảo kể lại: Cách đây ít lâu, khi một vụ lừa đảo bị vỡ lở, một số người đưa tiền cho P. đen đã “chột dạ”, yêu cầu được lấy lại hết tiền.

Không hiểu bằng cách nào, P. đen huy động được “cả xe tiền” để trả lại cho mọi người. Dăm bữa nửa tháng, khi vụ lừa đảo kia êm xuôi, nhiều người trấn tĩnh và đánh giá cao uy tín của P. đen, lại tiếp tục đưa tiền để hưởng lãi suất 5-7%/tháng.

Vòi bạch tuộc thứ hai, Huỳnh Thị Huyền Như sau khi rủ rê một vài môi giới CK “ruột” của mình góp vốn và trả lãi cao, lại nhờ chính các môi giới này giới thiệu giúp người này người kia để cùng bỏ vốn. Một số người làm môi giới tại chợ OTC trên đường Hàm Nghi còn cho biết thêm, danh sách nạn nhân “cỡ bự” của Như còn có vợ của một đại gia tại TPHCM.

Ngoài ra, Như còn có hình thức chiếm dụng vốn tinh vi hơn bằng thủ thuật rủ rê một số người góp vốn để mua bất động sản. Sau khi hoàn thiện thủ tục, bà Như lại sử dụng như tài sản thế chấp đến CTCK vay tiền để sử dụng đòn bẩy.

Với cách làm vừa nêu, nếu giá bất động sản lên, Như vừa được tiếng là đầu tư có lãi, đem lại lợi nhuận cho chiến hữu. Nhờ vậy uy tín được củng cố, đồng thời tài sản tăng, dẫn đến hạn mức tín dụng được CTCK cấp cũng tăng theo và chiếm dụng được nhiều vốn hơn nữa.

Đặt cược niềm tin

Một môi giới lâu năm cho biết, những trường hợp lừa đảo như Huỳnh Thị Huyền Như không phải là độc nhất trên TTCK. Có những khách hàng đem vài ba tỷ đồng bỏ vào tài khoản, sau một thời gian giao dịch, làm thân với CTCK bắt đầu “nài nỉ” cho đánh T+n, tức là chỉ khi nào bán CP, kết sổ lãi lỗ mới thanh toán tiền, còn lúc mua thì không cần.

Thậm chí một số khách hàng VIP ban đầu rất đàng hoàng, nhưng đột nhiên một ngày “xin” rút hết tiền trong tài khoản vì có “thương vụ” đột xuất. Cách đây chưa lâu, lãnh đạo chi nhánh của một CTCK đã than rằng vì thấy nhiều khách hàng có khối tài sản quá đồ sộ, hàng mấy trăm tỷ đồng, nên việc cấp hạn mức tín dụng đôi ba chục tỷ đồng cũng không lo, thậm chí chuyện cấp hạn mức theo kiểu tín chấp cũng có thể có. Vấn đề mấu chốt ở đây là CTCK có “tỉnh” để xử  lý vụ việc hay không.

Sôi sục với nghi án lừa đảo

Ngay sau khi thông tin về “Nghi án lừa đảo” đăng tải trên ĐTTC, trong ngày 6-10, trên tất cả sàn giao dịch CK, các NĐT bàn tán lúc này không phải là xem xét những mã CP để đầu tư, mà tập trung bàn luận ngân hàng nào, CTCK nào, môi giới nào nằm trong danh sách nạn nhân?

Ảnh hưởng của vụ việc này đến TTCK ra sao? Xoay quanh vụ này, diễn ra các cuộc điện thoại gọi tới và gọi đi tới tấp. Chỉ cần một NĐT nào đó tỏ ra nắm bắt được tình hình là gần như người đó trở thành tâm điểm của mọi người với hàng trăm ánh mắt đổ dồn, cùng với đó là vô vàn những câu hỏi nhận được từ những người xung quanh. Ngay cả cánh nhà báo cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại tìm hiểu về sự việc này.

Các nhân viên môi giới cũng quan tâm đặc biệt, bởi có rất nhiều nhân viên môi giới là nạn nhân của vụ lừa đảo này. Nhân viên không bị lừa cũng gọi điện thoại hỏi đồng nghiệp của mình tại các CTCK khác. Người nằm trong danh sách nạn nhân thì gọi điện thoại cầu viện đến những người may mắn hơn để nhờ tư vấn hướng giải quyết.

Ngay cả giới lãnh đạo của các CTCK cũng hối hả tìm thông tin, thăm dò tình hình. Nhiều người còn thận trọng lệnh nhân viên rà soát lại danh sách các NĐT đang sử dụng đòn bẩy để chắc chắn là CTCK của mình không có tên NĐT nào tên N. hay tên P. như bài báo ĐTTC đã đề cập.

Lãnh đạo tại nhiều CTCK đã triệu tập các cuộc họp khẩn cấp nhằm đưa ra hướng giải quyết. CTCK liên quan tới vụ việc thì vội vã thông báo đính chính, CTCK bị nghi ngờ thì lên tiếng bác bỏ nghi vấn.

Có CTCK còn đưa ra quyết định không giống ai: Cấm nhân viên nhắc đến vụ lừa đảo, thậm chí còn cấm tuyệt đối nhân viên nhắc đến tên ngân hàng có dính líu tới vụ việc trong khi trao đổi hoặc tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo càng nghiêm cấm lại càng gây nên sự tò mò và kéo theo nhiều người muốn tìm hiểu. Xem ra, sự việc này vẫn tiếp tục là đề tài nóng hổi trên TTCK trong thời gian tới.

HẢI HỒ

Các tin khác