* Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn luật sư TPHCM:
Sẽ khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện
Hiện một bộ phận người lao động chưa ý thức đầy đủ sự cần thiết của việc đóng BHXH, cứ thấy càng ít bị trừ vào thu nhập càng tốt, để khoản nhận về được nhiều hơn. Tôi cũng nhận thấy rằng, qua công tác tuyên truyền, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh trong thời gian qua do có Nghị quyết 28-NQ/TW, đã gỡ rất nhiều nút thắt trong phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là thời gian đóng và hưởng, người dân mong muốn thời gian đóng ngắn lại, dù mức hưởng lương hưu thấp.
Nhiều người vẫn cứ nghĩ loại hình BHXH chỉ dành cho cán bộ nhà nước và lao động làm việc tại doanh nghiệp, nay mới biết có loại hình dành cho cả lao động tự do, nông dân. Những chế độ của BHXH tự nguyện được xem như “sổ tiết kiệm dài hạn” cho người lao động và đã thu hút hơn 1 triệu người tham gia. Con số này sẽ ngày một tăng nhờ vào các chính sách hỗ trợ hữu hiệu.
* Ông NGUYỄN HỒNG HẢI, cán bộ hưu trí, ngụ quận 3, TPHCM:
Có ý nghĩa rất lớn đối với người làm việc nặng nhọc
Hiện nay, tổng mức đóng BHXH của người lao động là 10,5% thu nhập, khá cao so với mặt bằng thu nhập của toàn xã hội. Mức đóng này phải tới 20 năm mới được hưởng lương hưu, khá dài khiến nhiều người lao động không đủ kiên nhẫn để tham gia, dẫn đến rời bỏ hệ thống BHXH, rút BHXH một lần.
Do vậy, đề xuất của Bộ LĐTB-XH rút ngắn thời gian tham gia đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm, rồi đến 10 năm, theo tôi là một đề xuất tiến bộ, đề cao quyền con người, thể hiện tư tưởng vì quyền lợi người dân, và nó sẽ tạo động lực cho người lao động phấn đấu làm việc để nhận lương hưu.
Rõ ràng nếu chỉ chờ 10 năm hoặc 15 năm là đã đóng đủ được BHXH thì người lao động tham gia đóng BHXH sẽ theo đuổi để được hưởng lương hưu về già (kèm theo là quyền được bảo hiểm y tế, một quyền lợi cực kỳ quan trọng). Điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với những người làm việc nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, chỉ cần đóng BHXH 15 năm (hoặc 10 năm) là họ được hưởng lương hưu, nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe.
Việc đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xuống còn là cơ hội để người lao động chọn lựa nghề phù hợp khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, hoặc vẫn có thể làm các công việc khác khi về nghỉ chế độ để tăng thu nhập.
* Ông ĐOÀN XUÂN TIẾN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đoàn Gia Group:
Không nên “đóng khung” tuổi hưởng lương hưu
Thực tế hiện nay những quy định về thời gian tham gia đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu còn đóng khung cứng nhắc, chưa thuyết phục, hấp dẫn đối với người tham gia BHXH. Điều khó khăn đối với nhiều người là số tiền đóng đã quy định cứng, không linh hoạt theo đúng thu nhập thực tế. Do đóng tiền thấp nên khi về già tiền nhận cũng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống.
Thời gian được hưởng BHXH cũng theo tuổi nghỉ hưu là quá dài đối với những người lao động có công việc nặng nhọc. Vì thế, để người lao động được vui hưởng cuộc sống khỏe mạnh, an nhàn sau những năm tháng cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho công việc thì rất cần sự thay đổi trong việc quy định đóng BHXH và thời gian về hưu.
Người lao động được đóng tiền thực tế theo thu nhập hàng tháng, theo yêu cầu của người lao động. Người đóng tiền nhiều sẽ được hưởng nhiều, không lo thiếu tiền khi về già. Thời gian được hưởng BHXH cũng rút ngắn hơn, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể chứ không áp cứng theo Luật Lao động.
* Chị LÊ THỊ KIM, công nhân ở trọ tại số 10, hẻm 132, Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức:
Tôi là công nhân ngành may mặc, đến nay đã đóng BHXH được 7 năm. Nếu thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Đầu tiên, thời gian đóng 20 năm hơi dài, nếu không may chưa đủ thời hạn, có vấn đề về ốm đau, bệnh tật, mất khả năng lao động thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến là rút một lần.
Thứ hai, làm công nhân may mặc hàng ngày phải tiếp xúc với bụi mịn rất độc hại, nếu thời gian đóng lâu, trong khi sức khỏe không đủ làm để đóng đến 20 năm thì là điều thiệt thòi với người có quan điểm muốn hưởng lương hưu khi về già như tôi.