Một số CTCK rút nghiệp vụ môi giới trong thời gian vừa qua có thể xem là hệ quả tất yếu khi thị trường khó khăn. Lý do gánh nặng chi phí được đưa ra cho quyết định này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.
Tính sơ bộ, để một sàn chứng khoán hoạt động, trong đó có nghiệp vụ môi giới, sẽ phải tốn từ 500-700 triệu đồng mỗi tháng, như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, trả chi phí đường truyền…
Năm 2010, thanh khoản của thị trường chỉ bắt đầu sụt giảm kể từ quý III, còn quý I và II vẫn khá tốt vì thị trường có sóng. Từ quý III năm ngoái đến thời điểm hiện nay, chi phí một CTCK bỏ ra vào khoảng 7,5-10 tỷ đồng, một con số không nhỏ, nhưng cũng không phải quá lớn đối với những CTCK có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng trở lên.
Việc CTCK không đủ tiền để giữ nghiệp vụ môi giới có thể xuất phát từ thâm hụt liên quan đến các nghiệp vụ khác như tự doanh, cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng mà không thể thu hồi…
Đối với CTCK tìm được đối tác để “sang khách” (như ĐTTC đã phản ánh) và thu về một số tiền nhất định, tất nhiên sẽ chủ động trong việc hỗ trợ khách hàng chuyển tài khoản hoặc thu hồi tiền.
Nhưng nếu CTCK không tìm được đối tác sẽ như thế nào khi rút nghiệp vụ môi giới? Chắc chắn không phải vụ “sang khách” nào cũng êm thấm như câu chuyện giữa CTCK Đông Dương và Kim Eng. Bởi CTCK muốn rút nghiệp vụ môi giới sẽ phải xin phép UBCKNN, nhưng như vậy là chưa đủ.
Vấn đề đặt ra khi đã tới mức rút nghiệp vụ môi giới, nhân sự phục vụ cho nghiệp vụ này cũng chẳng còn bao nhiêu, chưa kể không còn động lực nào để hỗ trợ khách hàng qua CTCK khác. Giả sử thị trường đang trên đà sụt giảm, một CTCK tuyên bố rút nghiệp vụ môi giới, nhưng khi NĐT yêu cầu chuyển CP thì CTCK hẹn và cuối cùng khi CP sang được đến CTCK khác thì đã giảm 30-40%.
Ảnh minh họa: LÃ ANH |
Đối với những CTCK đang dính líu đến những vụ tranh chấp tiền bạc với NĐT, nếu muốn rút luôn nghiệp vụ môi giới cho “êm chuyện” sẽ như thế nào? UBCKNN hiện có thể xác minh chính xác CTCK có đang dính líu đến tranh chấp hay hoàn toàn sạch sẽ?
Nếu UBCKNN không chấp thuận thì CTCK không khác nào một “thây ma” và vẫn có thể tạo ra những rủi ro khó lường, nhưng chấp thuận lại có thể tạo ra xu hướng CTCK “có chuyện” là tìm cách rút để thoát thân. Rút nghiệp vụ môi giới không chỉ cần “dũng cảm” mà phải có trách nhiệm đối với NĐT sau đó.
Một điểm cũng đáng lo ngại ở đây là những CTCK chưa trở thành công ty đại chúng, cơ cấu cổ đông chỉ bó hẹp trong một số người, quyết định rút nghiệp vụ là tương đối dễ dàng, nhưng đối với những CTCK đã niêm yết, câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác.
Dân chứng khoán hiện đang kháo nhau về thực trạng một CTCK chỉ có 1-2 nhân viên môi giới gọi là “lấy lệ”. Trong trường hợp này, có thể CTCK sống khỏe, cũng không “dính dáng” gì đến NĐT, nhưng nghiệp vụ môi giới có cũng như không, lại trở nên méo mó.
Một trong những chức năng quan trọng nhất của CTCK là môi giới, khi tái cấu trúc hoạt động của CTCK, mục đích hướng đến là để hoạt động này được “chỉn chu”, chuyên nghiệp, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng hơn. Mô hình CTCK chuyên tâm làm môi giới rất phổ biến tại các thị trường phát triển.
Như vậy, khi CTCK rút bớt nghiệp vụ môi giới thì liệu có được xem là CTCK nữa hay không? Trong tình hình hiện nay, tự doanh xem như bế tắc, tư vấn tài chính hay nghiệp vụ ngân hàng đầu tư chỉ dành cho các ông lớn, thử hỏi CTCK nếu không sống nổi bằng hoạt động môi giới thì sẽ sống bằng gì?
Lúc này có khác nào CTCK không còn hoạt động. Vậy thì để lành mạnh hóa, việc cho giải thể, rút giấy phép hoặc phá sản là điều nên làm hơn là để lại một “phế nhân”.
Trong trường hợp CTCK rút hoạt động môi giới có thể “sống” bằng hoạt động khác thì mô hình sẽ không phải là CTCK mà các cơ quan quản lý đang hướng đến trong những đợt tái cấu trúc nữa. Thiết nghĩ UBCKNN cần có cách giải quyết rạch ròi hơn để tránh một nguy cơ méo mó đang đến rất gần.
Không loại trừ trường hợp khi nghe đến tên của một CTCK nào đó, ngoài chuyện thắc mắc về thương hiệu, tài chính, NĐT còn phải đặt ra câu hỏi: CTCK đó có… môi giới hay không?