![]() |
Nguồn: Internet |
Tại nước ta, mặc dù đã có nhiều nhà xuất bản và DN lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh sách điện tử (e-book), nhưng vẫn chưa đủ sức tạo ra sự bùng nổ của loại hình này trong vài năm tới.
Ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty Trí Việt, cho biết: “E-book chỉ mới được triển khai ở Việt Nam trên máy tính và điện thoại di động, còn thiết bị đọc sách điện tử vẫn chưa phổ biến do có mức giá khá cao so với thu nhập trung bình của người đọc”.
Hiện Trí Việt vẫn được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển loại hình kinh doanh e-book. Năm 2010 Trí Việt đã ký hợp đồng 3 triệu USD cung cấp nội dung số cho Nokia với đầu sách “Đắc nhân tâm”.
Gần đây, Trí Việt cũng ký một hợp đồng với Samsung trị giá 23.000USD về việc bán nội dung số của 50 cuốn sách thuộc “Tủ sách hạt giống tâm hồn”. Nhưng đối tượng hướng tới chưa phải là đa số bạn đọc, vẫn chỉ là các công ty điện tử muốn sử dụng e-book như một dịch vụ tặng thêm cho khách hàng khi mua sản phẩm của mình.
Hiện nay hầu hết người đọc Việt Nam đang sử dụng e-book miễn phí (e-book lậu) khiến không ít nhà xuất bản và DN đau đầu.
Đại diện Công ty Bách Việt cho hay, 2 năm gần đây 80% sách của Bách Việt đã bị làm e-book lậu và phát tán trên mạng. Đại diện Công ty sách Lệ Chi cũng than hầu hết sách của Chibooks đều bị làm e-book lậu. Cho đến nay, các nhà xuất bản vẫn đang phải tự bảo vệ mình bằng nhiều hình thức không mấy hiệu quả.
Trong khi thị trường e-book của Việt Nam còn nhỏ và chưa được bảo vệ trước nạn vi phạm bản quyền, vốn đầu tư để phát triển mô hình kinh doanh này lại không nhỏ chút nào. Ngoài ra, việc mua bản quyền cho e-book cũng không đơn giản. Muốn phát triển e-book, phải có trong tay những đầu sách hay.
Điều này các nhà xuất bản trong nước có thể tìm được. Nhưng điểm yếu của các nhà xuất bản lại chính là công nghệ. Muốn làm được chỉ còn cách hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Đến nay, chưa có đơn vị nào có tham vọng cho ra đời thiết bị đọc sách điện tử của riêng mình, mà chỉ phát triển trên ứng dụng phần mềm riêng.