Các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi về quản lý sử dụng nhà đất tại Sagri. Ảnh: MAI HOA
Sáng 10-3, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức giám sát về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri). Đây là đơn vị thời gian qua có nhiều cá nhân và tập thể bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật liên quan đến các sai phạm kéo dài.
Chỉ sử dụng 20/42 mặt bằng
Báo cáo trước đoàn giám sát, đại diện Sagri cho biết đang quản lý sử dụng 42 mặt bằng. Trong đó, trong hai năm 2020 và 2021, Sagri đã đề xuất với UBND TPHCM để được bàn giao lại 18 mặt bằng nhà đất. Đến nay, mới chỉ có 2/18 mặt bằng này có quyết định thu hồi.
Các ĐB trong đoàn giám sát rất quan tâm nội dung này, đặt vấn đề về sự lãng phí trong quản lý, sử dụng đất. Trong khi nguồn lực đất đai có hạn, mà việc thu hồi thì chậm trễ, quản lý sử dụng thì không hiệu quả.
Giải thích việc này, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Sagri cho biết, trong 42 mặt bằng đang quản lý, Sagri chỉ thực tế sử dụng 20 mặt bằng. Ông nêu nghịch lý, dù không sử dụng nhưng Sagri vẫn phải đóng tiền thuê và để trống. Những mặt bằng không sử dụng được do không còn phù hợp với quy hoạch, hoặc những mặt bằng đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ lâu nhưng không xin được giấy phép mới.
Trong số này có 3ha đất trống ở quận 7, rất đẹp mà không thể sử dụng, vẫn phải đóng thuế đều đặn mười mấy tỷ đồng mỗi năm. “Chúng tôi mong được trả lại càng sớm càng tốt để đỡ phải đóng tiền thuê mà nhà nước lại có đất để sử dụng”, ông Phạm Thiết Hòa nói.
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Sagri tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch HĐTV Sagri cho biết thêm, trong số 20 mặt bằng đang sử dụng, đất phục vụ trang trại, nhà máy thì sử dụng hiệu quả, còn với nhóm đất trồng trọt, thủy sản sử dụng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Trần Ngọc Hổ nói, thời gian trước đây Tổng công ty đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng không như ý muốn. Mô hình thua một số nông dân sản xuất giỏi, như ông Bảy Thanh mặt bằng không bằng mình, nhưng nuôi cá kiểng xuất khẩu thu hàng triệu USD. Lĩnh vực trồng trọt và thủy sản mình còn đang đi sau, đòi hỏi đầu tư lớn.
“Cân nhắc giữa việc đầu tư lớn này với việc hoàn thiện các dự án về chăn nuôi thì hiện Sagri đang ưu tiên cho lĩnh vực chăn nuôi”, ông Hổ nói.
Những nghịch lý gây lãng phí lớn
Tại buổi giám sát, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM trình bày những khó khăn, khi từ tháng 5-2018 UBND TPHCM đã có quyết định chuyển giao nguyên trạng 2 công ty này từ Sagri về trực thuộc UBND TPHCM, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Kết quả, do không có chủ sở hữu, nên công ty không đổi giấy phép kinh doanh được. Ở Công ty Bò sữa, người đại diện theo pháp luật đã nghỉ hưu nhưng không đăng ký được người mới, nên việc ký kết hợp đồng cũng không thực hiện được. Kế hoạch tiền lương, dự án đầu tư cũng không ai duyệt. Điều lệ công ty từ năm 2011 cũng đã cũ, sửa đổi nhưng chưa ai duyệt, nên vẫn sử dụng điều lệ cũ.
Ông Tăng Trí Hưng, Chủ tịch HĐTV Công ty Bò sữa cho biết, hiện Công ty đang quản lý 3.300 ha, nhưng được cấp giấy chứng nhận chỉ 2.800 ha, còn lại chưa có giấy, dẫn đến khó giải quyết tình trạng bị lấn chiếm. Đặc biệt, có 590ha theo quy hoạch của TPHCM đã có chủ trương bàn giao cho các chủ thể khác nhưng chưa bàn giao được, công ty vẫn tạm quản lý, đóng thuế, nhưng không sử dụng được. Công ty có kiến nghị với Sở TN-MT cho quy hoạch cắm mốc lại, nhưng Sở nói muốn làm cái này phải duyệt xong đề án 118 – là đề án sắp xếp lại doanh nghiệp nông lâm nghiệp. Năm 2016 công ty đã làm đề án này, sửa nhiều lần, nhưng đến này chưa thông qua.
Về tiền thuê đất được tính theo chu kỳ 5 năm. Từ năm 2020 tăng lên 2,3 lần trong khi cơ cấu cây trồng vật nuôi gần như không thay đổi, cho nên theo chu kỳ mới số phải nộp tăng thêm mấy chục tỷ đồng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Năm 2018, công ty nhận thông báo truy thu tiền thuê đất giai đoạn 2006-2013 với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Nếu không nộp thì bị Cục Thuế phong tỏa tài khoản, công ty không hoạt động được, nên phải lấy tiền quỹ dự phòng ra nộp.
“Do vậy từ năm 2018 đến nay công ty không trích được tiền khen thưởng, viên chức quản lý chỉ lãnh lương cơ bản, người lao động chỉ lãnh lương cơ sở, lương quá thấp, khó thu hút người lao động. Công ty đề xuất được trả dần số tiền này”, ông Hưng đề xuất.
Chủ tịch HĐTV Công ty Cây trồng Nguyễn Hải An cho biết công ty đang nợ tiền thuê đất bằng 4 lần vốn điều lệ. Ảnh: MAI HOA
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải An, Chủ tịch HĐTV Công ty cây trồng TPHCM cho biết, hiện công ty đang nợ thuế đất khoảng 280 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ. Công ty đề xuất khoanh nợ, giãn nợ, vì “nếu bắt trả không biết lấy đâu trả”.
Liên quan đất đai, hiện công ty đang quản lý 2.486ha, với nhiều loại đất khác nhau. Trong đó 1.087 ha ở Bình Chánh, thổ nhưỡng vốn là đất phèn, nên việc canh tác theo lối truyền thống rất khó khăn, hiệu quả khai thác sử dụng không cao. Trong khi số tiền thuê hàng năm cho 2.486 ha đất này là hơn 20 tỷ đồng.
“Với khu đất này, chúng tôi đang đề xuất sẽ xây dựng một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái, đào tạo hướng nghiệp nông nghiệp, một mặt giữ quỹ đất cho TP, tạo ra giá trị gia tăng, phù hợp với quy hoạch chung của TP”, ông Nguyễn Hải An nói.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết kết luận buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
Kết luận buổi giám sát, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, Trưởng đoàn giám sát nhận định, tình trạng lãng phí xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do sử dụng, quản lý không tốt, có nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật khiến đất đai không sử dụng được. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói: “Đây là một nghịch lý, vì sao tư nhân giữ được từng mét, nửa mét đất, còn mình lại không thể hoàn thiện được cơ sở pháp lý cho mảnh đất mình đang quản lý, sử dụng?” |