Sâm quý Ngọc Linh

(ĐTTCO) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia.
Sâm quý Ngọc Linh
 Đây là tiền đề quan trọng để sâm quốc gia được nâng tầm, phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh.
Hành trình tìm “thần dược”

Năm 1970, đang là giảng viên Đại học Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho người dân và bộ đội. Họ phải vượt qua rất nhiều đoạn đường hiểm trở trên dãy Trường Sơn, chỉ cần sơ suất nhỏ là lao ngay xuống vực, chưa kể địch đánh bom khắp nơi. Hàng tháng trời đi hết Tây Trường Sơn, đoàn lại sang Đông Trường Sơn, tìm thêm hàng trăm cây thuốc. Tháng 6-1972, tại một hội nghị dược toàn khu Trung Trung bộ (khu 5) đã quyết định thành lập đoàn lên núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cao hơn 2.500m so với mặt nước biển tìm dược liệu quý, trưởng đoàn là dược sĩ Đào Kim Long.

Hành trang của dược sĩ Long là 7 cuốn Thực vật chí Đông Dương nặng hơn chục kg. Sau rằm tháng 10 Âm lịch năm 1972, đoàn lên đường đến Kon Tum là 23 Tết. Đến làng Đắc Rơ Man (huyện H80), dược sĩ Long được trưởng bản mời uống rượu và kết nghĩa anh em. Biết ông từ Hà Nội vào lại là dược sĩ, trưởng bản mời các già làng, trưởng bản quanh núi Ngọc Linh đến nghe phổ biến tác dụng và cách chữa bệnh của một số loài cây cỏ. Buổi gặp gỡ giúp ông dễ dàng hơn khi đi qua các bản làng người dân tộc ở núi Ngọc Linh. Tuy nhiên, khi dược sĩ Long ngỏ lời nhờ dân địa phương dẫn đường đã bị từ chối, bởi họ tin rằng Ngọc Linh là núi thiêng, ai lên đó sẽ chết. Ông Long cùng 2 người đành phải tự đi. Đường lên đỉnh Ngọc Linh hiểm trở, núi cao dựng ngược, 3 người cứ thế lần mò trong rừng với "người dẫn đường" là bản đồ pháo binh; trên vai vác khoảng 40kg hành trang quân dụng, đồ ăn và súng. Họ phải cẩn thận với các nhóm biệt kích, các tộc người sẵn sàng vây bắt và rất nhiều thú rừng. Theo sườn Đông Nam của núi Ngọc Linh, đến độ cao 1.800m, lương thực đoàn mang theo đã hết, trong khi đoạn đường lên đỉnh núi còn rất dài, mất cả tháng đi bộ.
May mắn ngày 19-3-1973, người học trò tên Châu Giang cầm một thân cây chạy lại hỏi: "Thầy ơi cây gì đây". Quan sát cành lá, thân nhiều đốt trúc cùng khóm hoa trắng li ti, ông Long biết ngay đó là loài panax, chi sâm quý hiếm. Như bị sâm hớp hồn, dược sĩ Long trải chiếc khăn trắng xuống mặt đất, đặt cây nhân sâm lên và cúi xuống hôn, rồi liên tiếp chụp ảnh. Ông và học trò Châu Giang còn khắc lên thân cây to dòng chữ: "Cây sâm đầu tiên được phát hiện ở đây". Họ quyết định nán lại xem còn bao nhiêu cây khác. Kết quả nhóm thu được 10 cây và thống kê thêm 100 loài thực vật.
Sâm quý Ngọc Linh ảnh 1 Một củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi được nhân giống trên đỉnh Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam). 
Ảnh: NGUYÊN KHÔI
 
Cho rằng đây chưa phải trung tâm của sâm, 3 người tiếp tục leo cao. Đến độ cao 2.000m so với mặt nước biển, đoàn gặp con suối và quyết định nghỉ lại vì trời tối. Đặt ba lô xuống, ông Long giật mình khi thấy sâm mọc bạt ngàn, hoa thơm ngát, ong bướm bay lượn. "Chúng tôi òa khóc vì biết đã đến được vùng có sâm Ngọc Linh. Sâm mọc dày đặc, phải đi rất cẩn thận, từng tí một mới không làm tổn hại đến chúng. Tôi nghĩ nó đã ở đây rất lâu mà chưa có sự can thiệp của con người" - ông nói. Sau nhiều tháng đối mặt với thú dữ, biệt kích và sốt rét rừng, ông Long cùng đồng nghiệp đã tìm ra loài dược liệu quý hiếm - sâm Ngọc Linh, đưa nó thoát khỏi vòng bí mật của người dân Xê Đăng (Quảng Nam). Dược sĩ Long đặt tên nó là sâm Ngọc Linh, tên khoa học Panax Articulatus Kim Long Đào. Đây là loài sâm thứ 20 trên thế giới, trước đó có 3 loại nổi tiếng là sâm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Triều Tiên. Ngày 27-5-1973, dược sĩ Long về đến Khu 5, báo cáo trực tiếp với ông Võ Chí Công (Bí thư khu ủy) về chuyến đi vừa qua. Kết quả ông phát hiện 800 cây thuốc cùng sâm Ngọc Linh. Toàn bộ balô, ảnh, tài liệu cũng như ghi chép của ông Long được thu lại và gửi ra miền Bắc để nghiên cứu.
Sâm quý Ngọc Linh ảnh 2 Ngọc Linh trở thành cây xóa nghèo tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI 
Cần có cơ chế phù hợp
Chính vì tính chất đặc hữu nổi trội của cây sâm núi Ngọc Linh và giá trị kinh tế cao của loại dược liệu này dẫn đến việc khai thác, mua bán,  sử dụng tràn lan có nguy cơ ngày càng cạn kiệt nguồn gen nên việc bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh trở nên cấp bách. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh giai đoạn 2014-2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm đến năm 2030 với khoảng 15.000ha. UBND tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt dự án đầu tư 9.000 tỷ đồng để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Trên địa bàn Kon Tum hiện có 300ha sâm Ngọc Linh, dự kiến đến năm 2020, địa phương này cũng sẽ phát triển vùng trồng sâm lên 1.000ha. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, dù sâm Ngọc Linh đã có chỉ dẫn địa lý, nhưng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn bỏ ngỏ, chưa có sự liên kết vùng trong sản xuất và đa dạng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Do đó, thương hiệu quốc gia sâm Việt Nam vẫn còn ít người biết đến, nhất là thị trường quốc tế. Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, cần sớm xây dựng cơ chế chính sách để đưa sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh sử dụng trong hệ thống khám chữa bệnh của ngành y tế. Cụ thể, nâng cao sức khỏe và miễn dịch để phòng ngừa và kháng các loại dịch bệnh, sử dụng kết hợp với các loại thuốc trong phác đồ để nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh và rút ngắn thời gian điều trị. Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Kon Tum, cho rằng việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh hiện nay có nhiều mặt hạn chế, như: Việc phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giống; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, tình hình khai thác sâm Ngọc Linh chưa quan tâm đúng mức đến việc tái sinh, bảo tồn nên bị suy giảm một cách nhanh chóng, việc khai thác, mua bán và vận chuyển sâm Ngọc Linh chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến sự suy giảm sâm Ngọc Linh tự nhiên. Diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp làm thay đổi hệ sinh thái, hậu quả sâm Ngọc Linh có thời điểm gần như tuyệt chủng. 

Năm 2014 giá sâm Ngọc Linh chỉ mới 15-20 triệu đồng/kg, nay đã tăng vùn vụt đến 70-75 triệu đồng/kg. Riêng lá sâm Ngọc Linh dân phơi khô cũng lên đến 20 triệu đồng/kg. Và với việc Thủ tướng công nhận sản phẩm quốc gia những ngày đầu tháng 6-2017, giá sâm sẽ tiếp tục tăng và thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào cây sâm quý này. Quan trọng hơn, trồng sâm là bảo vệ được rừng, bởi còn rừng mới còn sâm.

Các tin khác