Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết trên HOSE tăng 12%, chủ yếu tới từ đóng góp của CTCP Vinhomes (VHM), NH TMCP Công thương Việt Nam (CTG), NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC).
Lợi nhuận sau thuế tăng thêm của 4 DN này đóng góp gần 77% lợi nhuận sau thuế tăng thêm trong năm 2019 của sàn HOSE, dù doanh thu tăng thêm của 4 DN này chỉ đóng góp vào khoảng 34% tổng doanh thu tăng thêm.
Ở chiều ngược lại, một số DN lớn có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với năm 2019 có thể kể đến như: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm 12%, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) giảm 53%, CTCP Gemadept (GMD) giảm 72% và CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) giảm 335%.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HNX cùng tăng 10%. Trong đó phần lớn lợi nhuận sau thuế tăng thêm của HNX đến từ sự đóng góp NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và NH TMCP Á Châu (ACB) đạt trên 90%, dù doanh thu tăng thêm của 2 DN này chỉ đóng góp khoảng 20%.
Ở khía cạnh ngành, 2 ngành dẫn đầu là ngân hàng và bất động sản cho thấy được tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế ở mức cao. Riêng ngành ngân hàng, đóng góp lớn nhất là CTG, VCB, NH TMCP Quân đội (MBB) và NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB). 4 ngân hàng này đóng góp hơn 63% lợi nhuận sau thuế tăng thêm của cả ngành. Trong khi đối với ngành bất động sản, VHM và VIC đóng góp đến 81% lợi nhuận sau thuế tăng lên và gần 70% doanh thu tăng thêm của ngành.
Nếu loại bỏ VHM và VIC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản tăng lần lượt 10% và 14%. Diễn biến giá của CP trong suốt năm 2019 cũng phản ánh sự đóng góp của ngành ngân hàng và nhóm Vingroup là những động lực chính thúc đẩy VN Index trong năm 2019.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngành có vốn hóa lớn như thực phẩm và đồ uống, du lịch giải trí, tài nguyên cơ bản và hàng và dịch vụ công nghiệp, cho thấy kết quả kinh doanh không thực sự khả quan trong năm 2019. Riêng với ngành thực phẩm và đồ uống, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp như HNG, CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) và CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), là nguyên nhân khiến lợi nhuận ngành giảm sâu.
Mức giảm của các DN này lấn át cả mức tăng trưởng của một số DN đầu ngành có lợi nhuận sau thuế tăng khá tốt như CTCP Tập đoàn Masan (MSN) tăng 13% và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) tăng 21%. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của ngành du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng bởi kết quả kinh doanh của VJC (giảm 19%).
Dù vậy, một số công ty trong ngành tài nguyên cơ bản vẫn cho thấy kết quả kinh doanh tích cực như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và CTCP Kinh doanh than Miền Bắc (TMB). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HPG, CTCP Thép Pomina (POM), Tổng CTCP Lâm nghiệp Việt Nam (VIF) và CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến tổng quan chung của ngành này bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, 2 ngành có vốn hóa trung bình của thị trường như bảo hiểm và bán lẻ đều cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khá tốt. Riêng với ngành bảo hiểm, năm 2109 chứng kiến sự vượt trội của CTCP PVI (PVI) đóng góp gần 38% lợi nhuận sau thuế tăng thêm của ngành. Trong khi, CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đóng góp chỉ 22% lợi nhuận sau thuế tăng thêm dù đóng góp vào doanh thu tăng thêm đến 70%.
Ngược lại, ngành bán lẻ có thể nói là cuộc chơi của riêng của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), khi công ty này đóng góp tới 90% doanh thu tăng thêm và 123% lợi nhuận sau thuế tăng thêm. Tuy không đóng góp nhiều vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng thêm của ngành, nhưng CTCP Thế giới số (DGW) cũng cho thấy kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 43% và 45%.