Thông thường, CP càng xuống thấp càng ít được NĐT quan tâm vì lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, nếu lựa chọn đúng chân sóng NĐT hoàn toàn có khả năng thu được lợi nhuận khủng từ nhóm CP được cho là… bèo.
Ngày 28-8, HOSE đã nhận được BCTC soát xét bán niên năm 2015 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC). Theo đó, chỉ trong quý II-2015 lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 22,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 30-6 âm 2.194 tỷ đồng.
Như vậy, căn cứ theo BCTC soát xét bán niên năm 2015, OGC vẫn tiếp tục bị lỗ và chưa khắc phục được là nguyên nhân dẫn đến việc CP bị đưa vào diện cảnh báo. Do đó, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo (do kết quả kinh doanh bị lỗ) đối với OGC.
Có lẽ NĐT nắm giữ CP OGC cách đây 1 năm chắc không bao giờ nghĩ đến viễn cảnh đen tối của một tập đoàn sở hữu hệ thống từ ngân hàng, CTCK cho đến khách sạn. OGC gia nhập nhóm CP bèo kể từ khi Chủ tịch HĐQT tập đoàn này là ông Hà Văn Thắm bị bắt ngày 24-10-2014.
Từ mức giá luôn được duy trì trên 10.000 đồng/CP, OGC liên tục lao dốc và có thời điểm giảm xuống mức đáy chỉ còn 2.200-2.300 đồng/CP. Tuy nhiên, mỗi khi chạm mức đáy OGC lại bật mạnh lên mức 3.000-3.100 đồng/CP. Có thể liệt kê 2 đợt sóng tăng gần nhất của OGC: đợt sóng từ ngày 16-6 đến ngày 26-6, đợt sóng từ ngày 24-8 đến 27-8.
Mỗi đợt tăng của OGC thường gắn với thông tin liên quan đến thông tin từ hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng điểm chung là chân sóng thường bắt đầu khi CP chạm đáy và điều chỉnh sau khi tăng trên 20% . Do đó, nếu bắt đúng đáy NĐT hoàn toàn có khả năng kiếm lời khi lướt sóng với OGC.
Trước phiên giao dịch ngày 10-9, mã DC2 của CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) số 2, chỉ dao động quanh mốc 1.700 đồng/CP. Thế nhưng, trong các phiên giao dịch từ ngày 11-9 đến phiên giao dịch ngày 29-9, mã DC2 liên tục tăng giá và chốt ở mức 3.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 65%).
Theo lý giải của giới đầu tư, sóng tăng của DC2 bắt nguồn từ kết quả kinh doanh ngày càng khởi sắc của những tháng đầu năm sau hàng loạt giải pháp nhằm tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp.
Theo BCTC quý II, lợi nhuận sau thuế của DC2 âm 2,5 tỷ đồng, giảm lỗ so với kết quả 7,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần dần khởi sắc, đặc biệt là xử lý nền móng. Đồng thời công ty đã cơ cấu lại nhân sự từ cuối năm 2014 và tái cơ cấu các khoản vay.
Ngoài ra, chi phí khấu hao đã giảm cộng với việc thu hồi công nợ được thuận lợi đã tác động tốt tới tình hình sản xuất kinh doanh của DC2. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DC2 ghi nhận mức doanh thu thuần 20,6 tỷ đồng (tăng 10,7%) đồng thời lỗ ròng gần 3,8 tỷ đồng (giảm lỗ so với kết quả âm 10,3 tỷ cùng kỳ).
Ngày 18-8, CTCP Nhựa Việt Nam (VNP) đã chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 2.000 đồng/CP. Mức giá tham chiếu trên rất thấp với một CP lần đầu được giao dịch trên TTCK, nhưng lại được chính lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá khá hợp lý do kết quả kinh doanh của VNP trong những năm gần đây không được thuận lợi. Cụ thể, năm 2013 VNP lỗ 97 tỷ đồng, năm 2014 tiếp tục lỗ nhưng mức lỗ giảm xuống chỉ còn 31 tỷ đồng trong khi doanh thu hợp nhất đạt 701,8 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2015, theo báo cáo hợp nhất quý II, VNP đạt doanh thu hợp nhất 243 tỷ đồng (giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014) nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 9,1 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận quý II cũng như 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ, theo giải trình của VNP chủ yếu là do hoàn nhập một khoản dự phòng nợ khó đòi do khách hàng thanh toán.
Dù vẫn còn lỗ lũy kế tính đến cuối quý II-2015 và mục tiêu những năm tiếp theo cũng chỉ là giảm lỗ, nhưng với KQKD bất ngờ lóe sáng trong những tháng đầu năm nên VNP đã có sự khởi đầu hết sức ấn tượng. Từ mức giá 2.000 đồng/CP trong phiên chào sàn UPCoM, VNP đã tăng một lèo lên mức 4.600 đồng/CP chỉ sau 5 phiên giao dịch (tương đương mức tăng 130%).
Ảnh: LONG THANH |
Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường chứng kiến nhiều mã CP bỗng dưng thành sao sau khi hủy niêm yết trên sàn niêm yết chính và chuyển niêm yết qua sàn UPCoM. Điển hình là CTCP Việt An (AVF). Doanh nghiệp này bị hủy niêm yết trên HOSE từ 10-6 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Trước đó, AVF đã nhiều lần bị HOSE nhắc nhở về việc chậm công bố BCTC kiểm toán năm 2014. Chốt phiên giao dịch ngày 9-6, phiên giao dịch cuối cùng trên sàn HOSE, AVF giảm chỉ còn 1.100 đồng/CP trong sự hờ hững của NĐT.
Tuy nhiên, ngay trong phiên chào sàn UPCoM ngày 17-6 và 2 phiên giao dịch sau đó, AVF tăng vọt lên mức 1.800 đồng/CP (tương đương mức tăng 80%). Không chỉ ghi nhận mức tăng khủng, AVF trở thành sao thanh khoản của UPCoM với hàng trăm ngàn đơn vị, thậm chí có phiên đạt trên 2 triệu đơn vị.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng bộ phận Phân tích kỹ thuật của Vietstock, CP tăng nóng là CP có rất nhiều NĐT nhảy vào hoặc ít nhất là rất nhiều NĐT chú ý. Tuy nhiên, NĐT hay nhầm lẫn giữa CP nóng và CP lởm. CP lởm là CP có tình hình kinh doanh tệ hại, thua lỗ triền miên, nhưng giá vẫn có thể tăng mạnh và sốc trong 1-2 tháng.
Còn CP nóng chỉ đơn giản là CP được chú ý nhiều và biến động mạnh. Những mã CP làm ăn tốt như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) hay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) vẫn có thể gọi là CP nóng.