Sản phẩm du lịch đêm, cần bứt phá thay vì sao chép đơn điệu

(ĐTTCO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng trên cả nước.
Sản phẩm du lịch đêm, cần bứt phá thay vì sao chép đơn điệu

Đề án lần này đã “làm nóng” trở lại việc phát triển sản phẩm đêm của ngành du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Song nhiều người lo ngại sản phẩm giữa các địa phương dễ rơi vào cảnh na ná, kém hiệu quả.

Phải tìm cách cho khách có cơ hội tiêu tiền

Khoảng 5 năm trở về trước, câu chuyện phát triển sản phẩm du lịch đêm được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa ra bàn luận sôi nổi. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, sau 18giờ du khách - nhất là du khách quốc tế không có chỗ chơi, vì thế có tiền nhưng không thể tiêu.

Là người từng nhiều lần đề xuất việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings nhấn mạnh, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong chuyến đi của du khách. Nhưng chúng ta lại thiếu các hoạt động, sản phẩm về đêm. Đó cũng là lý do khách đến Việt Nam chi tiêu vẫn còn rất ít.

Khảo sát của Tổng cục Du lịch chỉ ra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%). Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan con số này là 40-50%.

Một con số khác cũng khiến nhiều người phải giật mình, là mức chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam sau 10 năm chỉ tăng lên 1,2 lần. Theo đó, năm 2009 mức chi tiêu trung bình của du khách nước ngoài khi lưu trú ở Việt Nam là 1.000 USD/khách, đến năm 2019 - năm được coi là đỉnh cao của thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, con số này chỉ nhích lên 1.200 USD/khách.

Các khoản chi cho ăn uống, đi lại tăng nhưng chi cho giải trí và tham quan gần như không đổi. Nếu nhìn qua Thái Lan, cũng trong năm 2019 khách đến Thái Lan chi tiêu trung bình 2.400-2.500USD/khách, thì du lịch đêm tại Thái Lan đã mang về 63 tỷ USD, chiếm 11% tổng giá trị ngành du lịch. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng ước tính, nếu kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách.

Trước thực tế ấy, tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg, phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Một số chính sách cởi mở hơn đã được ban hành, điển hình như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ.

Tuy nhiên, ngay sau quyết định này có hiệu lực thì dịch Covid -19 ập tới, nên hầu hết các địa phương chưa thể triển khai. Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, phải có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Tránh phong trào và na ná

Thực tế, trước khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án, nhiều địa phương đã rất tích cực trong việc xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đêm, trong đó tập trung nhiều vào phát triển du lịch.

Đà Nẵng là một thí dụ. Địa phương này đã nhanh chóng đưa ra đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng với nhiều hoạt động như khai thác bãi biển đêm Mỹ An, phố đi bộ An Thượng, bổ sung ngày phun nước/lửa cho cầu Rồng, tổ chức các hoạt động tại chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà… Tương tự, thành phố Hà Nội cũng vào cuộc rất tích cực trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm, ngoài “con át chủ bài” là phố Tạ Hiện, thời gian qua Hà Nội đã rất thành công với tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch văn học tại bảo tàng Văn học Việt Nam...

TPHCM, vốn được xem là thành phố không ngủ, người dân hào sảng, không khí náo nhiệt… thực sự thích hợp để có một mô hình tổ hợp giải trí đêm riêng biệt, chứ không chỉ đẩy mạnh hình thành các phố đi bộ, phố ẩm thực…

Không đứng ngoài cuộc đua này, TPHCM cũng đang nỗ lực khẳng định thương hiệu “thành phố không ngủ”. Ngoài những điểm đến quen thuộc như phố Bùi Viện, Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành… đã có hàng loạt dự án chợ đêm, phố đi bộ được ra mắt.

Ngoài ra, ngành du lịch TPHCM cho biết sẽ mang đến sản phẩm khác biệt mang tên “huyền bí đêm Sài Gòn”. Hay mới đây nhất, tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trong đó hướng tới hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí về đêm…

Chia sẻ với ĐTTC về sự vào cuộc của các địa phương trong việc phát triển sản phẩm du lịch đêm, kinh tế đêm, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Điều hành The Outbox Company cho rằng, việc các địa phương quan tâm phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm là tín hiệu rất tích cực. Cũng đã có những điểm nhấn rất tốt như sản phẩm tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò mà Hà Nội đang triển khai.

Song phải nhìn nhận một thực tế, các sản phẩm đêm của nhiều địa phương hiện đang chung một mô hình phát triển, đó là đẩy mạnh phố đi bộ và phố ẩm thực, chợ đêm hoặc một số hoạt động văn hóa, giải trí nên thật khó có thể kéo dài đến nửa đêm chứ đừng nói tới sáng.

Giám đốc một doanh nghiệp du lịch bày tỏ lo ngại trước sự vào cuộc theo kiểu phong trào, na ná của các địa phương. Vị này cho rằng, mỗi địa phương cần phải sáng tạo sản phẩm, dịch vụ dựa vào nguồn lực và thế mạnh của mình. Thực tế đã chứng minh, chính vì phát triển theo “mẫu số chung” nên một số phố đi bộ, phố ẩm thực của một vài địa phương đã nhanh chóng “chết yểu”.

Câu chuyện phát triển sản phẩm du lịch đêm, kinh tế đêm còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách đặc thù bởi tính nhạy cảm của nó. Những con số khổng lồ đầy hấp dẫn kinh tế đêm mang về cho các nước trong khu vực và trên thế giới là động lực lớn để Việt Nam triển khai mô hình này.

Các tin khác