Sẵn sàng các kịch bản “kích hoạt” khi cần thiết

(ĐTTCO) - Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội năm 2022 và kế hoạch 2023 tại phiên khai mạc Quốc hội, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận năm 2023 thách thức, khó khăn sẽ nhiều hơn, đòi hòi công tác chỉ đạo, điều hành phải hết sức linh hoạt.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào sáng 20-10. Ảnh: VIẾT CHUNG
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào sáng 20-10. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thách thức nhiều hơn thuận lợi
Năm 2022, đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%.
Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội. Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020-2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.
Báo cáo của Chính phủ nhận định, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Nhận diện tình hình như vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát trong năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,5%…
12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 
Là cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban thống nhất các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu, nhưng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số CPI bình quân năm 2023 là 4,5%. “Với áp lực lạm phát dự kiến ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này” - Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Mặt khác, dự toán thu ngân sách chỉ tương đương ước thực hiện năm 2022 trong điều kiện dự kiến tăng trưởng 6,5% và lạm phát 4%, do đó Chính phủ cần tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển, giảm bớt bội chi. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Chính sách tài khóa có thể nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế. 

Bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng
Cho ý kiến về các giải pháp phát triển năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nhận định, thời gian tới Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, vì vậy phải nỗ lực hơn nữa để có thể thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra.
Theo đó, cần quyết liệt hơn trong việc điều hành để bảo đảm ổn định vĩ mô trong thời gian tới. Cần minh bạch trong điều hành, ổn định thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu, phải tăng cường giám sát để bảo đảm người dân giao dịch an toàn; xử lý nợ xấu hiệu quả và các tổ chức tín dụng yếu kém; thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả. Định hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên. Đầu tư công phải trọng tâm trọng điểm, không dàn trải.
Đặc biệt, điều hành xăng dầu hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ như thời gian qua khiến người dân rất bức xúc. 
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, vừa qua vụ việc NHTMCP Sài Gòn (SCB) xảy ra không chỉ tác động đến an ninh ngân hàng, còn ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian tới, các dự án lớn sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, tức là mức độ ảnh hưởng rất lớn. Hay vấn đề thiếu xăng, đây không phải là chuyện nhỏ, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa, đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ảnh hưởng vĩ mô.
Chính phủ cần có giải pháp về vấn đề xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, có thể tính đến các hình thức dự trữ mới. 
Ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xử lý tốt vấn đề trái phiếu, coi đó là việc cấp bách từ nay đến cuối năm và năm sau. Cùng với đó là tín dụng ngân hàng phải giám sát, lọc được dòng vốn để chảy vào sản xuất kinh doanh, không phải để đảo nợ; đồng thời phải có chính sách lãi suất hợp lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bày tỏ mối lo về trái phiếu chính phủ, rất đáng báo động vấn đề nợ nước ngoài của doanh nghiệp, nếu không trả được nợ sẽ gây hệ lụy rất lớn. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề xã hội các đô thị lớn như kẹt xe, ngập nước.
Còn theo đại biểu Lê Quân (Hà Nội), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ cần đặc biệt lưu ý đến công tác điều hành tỷ giá và coi đây là “chìa khóa” để linh hoạt thích ứng với xu thế tăng lãi suất của thế giới.
Bên cạnh đó duy trì tín dụng hợp lý, hướng đúng vào địa chỉ cần ưu tiên; đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản giảm thuế, giảm nghĩa vụ đóng góp… để kích hoạt ngay khi nền kinh tế thế giới suy thoái. 
 Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó có những nội dung phải làm cấp bách, như mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; hay đầu tư công, xăng dầu…

Các tin khác