Sản xuất công nghiệp tại TPHCM đang có chiều hướng phát triển tốt

(ĐTTCO) - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9 ước tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 89,6% so với cùng kỳ. 
Sản xuất công nghiệp tại TPHCM đang có chiều hướng phát triển tốt
Chiều 12-10, Sở Công Thương TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và các hoạt động nổi bật của ngành Công Thương TPHCM trong quý III-2022.
Theo đánh giá của Sở Công thương, năm mở cửa tái khởi động và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch; một số ngành, lĩnh vực đang có chiều hướng tăng trưởng tốt, mang lại kỳ vọng mới cho sự phát triển trong thời gian tới.
Tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Nhìn chung, nhiều ngành, lĩnh vực đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 
Riêng về công nghiệp, với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và người lao động đã tự tin quay trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kết quả sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng phát triển tốt.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9 ước tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 89,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9tháng năm 2022, IIP ước tăng 19,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 12,9%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. 
Nhiều ngành đạt chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khá so cùng kỳ (điển hình như: sản xuất đồ uống tăng 62,3%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 59,9%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 51,0%; dệt tăng 38,2%; sản xuất trang phục tăng 32,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 32%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 25,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 16,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,5%,...), tạo đà cho chiến lược tăng tốc sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2022.

Dù còn nhiều khó khăn như việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, sức mua toàn cầu đang suy giảm,... nhưng ngành công nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Các tin khác