Những năm gần đây, tại tỉnh Bắc Kạn, chủ trương trồng xen canh cây lương thực trên những diện tích rừng trồng mới đã trở thành sáng kiến giảm nghèo bền vững, giúp nông dân gắn bó hơn với nghề rừng.
Lấy ngắn nuôi dài
Tỉnh Bắc Kạn có 85% diện tích đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, quỹ đất trồng rừng còn rất lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2011-2016) đề ra mục tiêu trồng mới 60.000ha rừng trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm trồng mới 12.000ha.
Ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, Bắc Kạn đã thực hiện vượt chỉ tiêu, diện tích rừng trồng mới đạt trên 13.000ha. Trung bình một chu kỳ rừng sản xuất khá dài, khoảng 7-8 năm, nên để giải bài toán thu nhập cho người dân trong những năm đầu trồng rừng, gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động, tổ chức trồng xen các loại cây lương thực như sắn, ngô, đậu đỗ trên diện tích rừng 1-2 năm tuổi. Chủ trương này nhanh chóng được người dân hưởng ứng.
Về lâu dài tỉnh Bắc Kạn cần xác định rõ lợi thế để phát triển, tạo cơ hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, VCCI sẽ sát cánh với tỉnh để nghiên cứu cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ địa phương tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các cơ sở chế biến nông sản hiện đại, quy mô lớn. Ông VŨ TIẾN LỘC, |
Khảo sát tại xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) cho thấy liên tục trong 3 năm gần đây 100% diện tích rừng mới trồng đều được trồng xen cây sắn cao sản. Năm 2010, toàn xã Mỹ Phương trồng xen canh 200ha sắn cao sản trên diện tích rừng 1 năm tuổi, cho sản lượng 2.000 tấn. Trung bình 1ha sắn cao sản trồng xen canh đạt năng suất 10 tấn/ha, cây ngô đạt 3,5 tấn/ha.
Nhờ trồng xen canh cây lương thực ở những diện tích rừng mới trồng, nhiều gia đình ở xã Mỹ Phương đã tăng thu nhập từ 30-80 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Le, thôn Bjoóc Ve, cho biết: “Gia đình tôi đang nhận khoán gần 20ha đất rừng, do thiếu lao động nên mỗi năm chỉ trồng mới được khoảng 1ha rừng, trên diện tích này đều trồng xen sắn cao sản.
Cách làm này rất phù hợp với điều kiện người dân miền núi, một công chăm sóc cho 2 lợi ích, vừa được rừng, vừa được lương thực hàng năm. Việc trồng xen canh sắn, ngô trên diện tích rừng mới trồng giúp cây rừng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống rất cao do được chăm sóc và giữ ẩm dưới những tán cây sắn, ngô”.
Toàn huyện Ba Bể có hơn 34.000ha đất rừng sản xuất và còn gần 17.000ha đất chưa có rừng. Bình quân mỗi xã có gần 2.000ha đất chưa có rừng, có thể khai thác để trồng rừng sản xuất và xen canh cây lương thực hàng năm.
Nếu khai thác hết được tiềm năng đất rừng hiện có để nhân rộng mô hình xen canh giữa rừng mới trồng và cây lương thực, huyện Ba Bể sẽ thu thêm hàng trăm nghìn tấn sắn, ngô mỗi năm. Đây là nguồn lực rất lớn để sớm đưa Ba Bể thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước.
Khuyến khích doanh nghiệp nhập cuộc
Hiện nay, diện tích chuyên canh ngô, sắn, đậu đỗ của tỉnh Bắc Kạn trên 20.000ha, chiếm 30,5% diện tích trồng cây lương thực. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 85.000 tấn. Mô hình xen canh cây lương thực trên diện tích rừng trồng mới gần đây cho thu hoạch tăng thêm vài chục nghìn tấn mỗi năm.
Dự báo với tốc độ mở rộng diện tích xen canh như hiện nay, chỉ trong một vài năm tới sẽ tăng sản lượng hàng trăm nghìn tấn. Mở rộng mô hình xen canh nông - lâm trên những diện tích rừng mới trồng là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Tuy nhiên, khi mô hình xen canh ngày càng mở rộng, sản lượng sắn, ngô tăng đột biến, nông dân Bắc Kạn lại càng gặp khó về thị trường và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Các mặt hàng nông sản của Bắc Kạn chủ yếu do thương lái tổ chức thu mua nhỏ lẻ xuất bán ra ngoài tỉnh, thời gian thu mua kéo dài và giá cả không ổn định.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản nông sản sau thu hoạch gặp nhiều bất trắc vì vụ thu hoạch thường trùng với cao điểm mùa mưa. Cho tới nay, việc chế biến nông sản vẫn chủ yếu thực hiện bằng các lò sấy thủ công quy mô nhỏ, công suất khoảng 60kg sắn, ngô/ngày.
![]() |
Thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, chủ yếu do nông dân tự sơ chế tại chỗ. |
Hình thức sấy này không đảm bảo chất lượng, tiêu tốn nhiều củi và chỉ đáp ứng được một lượng nông sản nhất định. Khi mở rộng vùng xen canh sắn, ngô trên diện tích rừng mới trồng, các lò sấy thủ công không còn đáp ứng được nhu cầu.
Tỷ lệ sản phẩm nông sản sau thu hoạch không được xử lý kịp thời, bị thối, mốc lên tới hàng chục nghìn tấn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương khai thác đất rừng, nhất là định hướng mở rộng mô hình xen canh nông - lâm trên những diện tích rừng trồng mới.
Đây là những khó khăn, thách thức không chỉ với riêng với nông dân, mà là vấn đề chung của toàn tỉnh.
Việc thu hút đầu tư vào ngành chế biến nông sản đã được tỉnh Bắc Kạn chú trọng, nhưng vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Vì vậy, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các dự án chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, quy mô lớn đang được tỉnh đặc biệt ưu tiên.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn. Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết nhiều năm qua, việc thu hút đầu tư của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiếu vắng doanh nghiệp có tiềm lực mạnh.
Trước mắt, tỉnh Bắc Kạn mong muốn VCCI hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm lực và có chiến lược đầu tư dài hạn phát triển sản xuất chế biến nông - lâm sản, tạo thế phát triển bền vững cho nền kinh tế của địa phương.
Gần đây nhất, bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Cao Bằng- Bắc Kạn được ký kết cuối tháng 8-2011 cũng có nội dung kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tại các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn.