Sàng lọc

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2011 công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 cho thấy có khoảng 4.700 DN đã giải thể trong 9 tháng đầu năm, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 34.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2011 công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 cho thấy có khoảng 4.700 DN đã giải thể trong 9 tháng đầu năm, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 34.000 tỷ đồng.

Con số này khiến nhiều người không khỏi giật mình, dù trên thực tế số lượng DN phá sản có thể còn cao hơn nhiều. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã trấn an rằng so với lượng DN đăng ký mới 9 tháng năm 2011 (khoảng 57.800 DN với số vốn đăng ký khoảng 363.700 tỷ đồng) thì số lượng DN giải thể không nhiều, chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số DN và khoảng 9,3% về vốn đăng ký, nhưng rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một cuộc sàng lọc thực sự.

Từ một năm nay, việc các DN, đặc biệt là DN bất động sản kêu cứu vì thiếu vốn đã trở nên quá quen thuộc. Thậm chí trong một cuộc họp mới đây, nhiều “đại gia” bất động sản và vật liệu xây dựng như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, TCT Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà… đã kêu cứu vì thiếu vốn sản xuất, dẫn đến kinh doanh đình trệ.

Điều này cho thấy đối với hàng vạn DN nhỏ và vừa, sẽ càng khó đối phó với tình hình kinh tế khó khăn và phá sản hoàn toàn là điều dễ hiểu. Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN phải khai tử đã gia tăng với tỷ lệ 34% trong 2 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Câu hỏi quan trọng được đặt ra thời điểm hiện nay là khó khăn của DN đã đến mức cần “giải cứu” hay chưa? Rõ ràng, sàng lọc để chọn ra những DN xứng đáng, đủ sức kinh doanh một cách lành mạnh là điều hoàn toàn cần thiết. Trong những năm qua, với quy định pháp luật thông thoáng, cởi mở, hàng ngàn DN đã được thành lập theo kiểu “tay không bắt giặc”, làm ăn manh mún, thiếu chiến lược lâu dài, gây nhiễu loạn không ít cho thị trường.

Theo quy luật cạnh tranh, việc phá sản DN nhỏ đã trở nên bình thường trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển như Nhật Bản, hàng năm con số này cũng xấp xỉ 70.000. Tuy nhiên, điều làm nhiều người bức xúc là dường như trong việc cung ứng nguồn vốn tín dụng cho DN đang tiềm ẩn sự không công bằng.

Trong khi nhiều DN ngắc ngoải vì đói vốn và bị ngân hàng “lạnh nhạt”, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được hưởng các khoản vay ưu đãi mặc dù hiệu quả kinh doanh thấp, lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn tồn tại, thậm chí còn xin Nhà nước gánh nợ hộ.

Rõ ràng đây thực sự là một điều đáng lo ngại, vì tình trạng nợ DN có thể biến thành nợ nhà nước, khiến cho khoản nợ quốc gia thêm trầm trọng và là sự cạnh tranh không công bằng, kém lành mạnh trên thị trường.

Các tin khác