Theo đó, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước, hạn mức diện tích bình quân tối thiểu 8m2; nhóm nhà ở còn lại, diện tích bình quân tối thiểu 20m2 sàn nhà cho 1 người thuê, mượn, ở nhờ.
Thực ra dự thảo này cho thấy Hà Nội đang cố gắng hạn chế dân số ở khu vực các quận trung tâm, bởi lượng người nhập cư mỗi năm gần 200.000 đã tạo sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Và không riêng Hà Nội, các TP lớn ở các nước cũng tìm giải pháp hạn chế dân cư đổ dồn vào TP. Chẳng hạn giải pháp mang tính chiến lược là phát triển nông thôn, giảm khoảng cách giữa nông thôn với đô thị để giữ lực lượng lao động lại nông thôn, nhiều nước đã thành công trong chiến lược “ly nông bất ly hương”.
Giải pháp quy hoạch được coi là trọng tâm, đó là phát triển vùng đô thị, tạo dựng các đô thị vệ tinh, mở ra các khu dân cư mới có chất lượng cao để kéo dãn dân trong khu vực nội thành ra, và hút người nhập cư dừng lại ở các vành đai bên ngoài, không vào sâu bên trong.
Giải pháp phân bổ lại dân cư, chủ yếu chuyển cư, là chuyển các cơ sở sản xuất, công sở, nhà máy, trường đại học có số lượng nhân công đông ra các vành đai bên ngoài.
Giải pháp nữa thường áp dụng thành công là giải pháp kinh tế. Các quận trung tâm luôn có giá cả dịch vụ đắt đỏ, như giá thuê nhà, gửi trẻ, học phí, giá lương thực, thực phẩm, vui chơi giải trí và các loại phí (gửi xe, quản lý, thu gom rác, vệ sinh…). Các loại thuế, phí và chi phí cao buộc người có thu nhập trung bình hay thấp không chịu đựng nổi phải dạt ra bên ngoài. Các TP lớn có thời kỳ gọi là “quá độ đô thị” hay tái cấu trúc dân cư, tức hiện tượng thay lượng lớn dân cư nghèo, trung bình bán nhà ở trung tâm chuyển ra bên ngoài, thay vào đó là người trung lưu, khá giả. Đây được coi là giải pháp căn cơ, không để lại hệ quả tiêu cực. Tại TPHCM giai đoạn 1995-2005 đã diễn ra quá trình này.
Giải pháp cuối cùng là các quy định của luật, dưới luật, quy định hành chính mang tính cưỡng bức. Thí dụ, quy định thường trú nhân phải có công việc ổn định, tay nghề, bằng cấp, thu nhập, diện tích nhà ở (mua hay thuê)…
Trở lại trường hợp Hà Nội. Sau khi thông tin HĐND TP đưa ra dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội, đã tạo dư luận khá sôi nổi. Tất nhiên, người quan tâm đầu tiên là người nhập cư muốn được đăng ký thường trú hợp pháp lâu dài, và người đang sở hữu nhà cho thuê. Vì nếu không có đủ 20m2 cho 1 người thuê họ sẽ gặp rắc rối khi đăng ký thường trú cho người thuê. Cái lý của người soạn thảo là 20m2 đủ đảm bảo cho người sống có ánh sáng trời, không khí thoáng đãng, diện tích có đủ các khu chức năng tối thiểu như phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh. Nhưng chính điều này lại gây ra thắc mắc, tại sao với 8m2 người sống trong nhà có nguồn gốc nhà nước lại đủ điều kiện? Như vậy có phải làm khó những chủ sở hữu tư nhân và tập thể các loại hình cư trú như nhà, căn hộ, phòng cho thuê mướn?
Hơn nữa, quy định 20m2/người có vẻ mâu thuẫn với với Điều 20, chương IV Luật Cư trú ban hành tháng 11-2020, quy định về điều kiện đăng ký thường trú có ghi rõ: “Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người”. Như vậy diện tích tối thiểu cho người thuê, mướn nhà tư nhân được đăng ký thường trú 20m2 cao hơn 2,5 lần so với Luật Cư trú.
Cũng cần dẫn thêm, Thông tư 21/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó quy định rõ diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 25m2, trong khi với dân cư sinh sống trong căn hộ chung cư, cho đến nay chưa có văn bản nào giới hạn số người sinh sống trong đó.
Thực tế cho thấy, hầu hết quốc gia không lấy tiêu chí nhà ở làm điều kiện bắt buộc để được cư trú lâu dài, mà lấy mức thu nhập hàng tháng của người đó. Chẳng hạn, người công nhân kỹ thuật, chuyên gia muốn được định cư và sống lâu dài ở Singapore phải nhận được EP (thị thực làm việc tại quốc đảo này), mà muốn vậy họ phải nhận mức lương tối thiểu 3.500USD/tháng. Những người di cư kiếm được hơn 4.000USD/tháng có thể đưa vợ/chồng và con cái đến Singapore, và nếu kiếm được hơn 8.000USD/tháng có thể đưa cha mẹ đến. Nhiều nước khác cũng lấy mức lương làm điều kiện bắt buộc để được cư trú lâu dài, bởi với mức lương đó người cư trú đủ cho chi phí thuê nhà, sinh sống, các chi phí khác như học phí cho con và đóng các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Thực tế, kiểm soát qua thu nhập dễ hơn qua việc quy định diện tích nhà ở. Các nước không lấy tiêu chí diện tích nhà ở làm điều kiện tiên quyết được định cư, hay cư trú lâu dài, bởi 2 lý do: Thứ nhất, mẫu hình 1 căn phòng nhỏ được gọi là studio room với diện tích dao động từ 10, 12, 15, 17m2 rất phổ biến ở Singapore, Hồng Kông, Tokyo, Seoul… Thứ hai, các căn hộ mini này chỉ là nơi để ngủ, tái tạo sức khỏe và tâm lý sau 1 ngày làm việc. Còn các nhu cầu như ăn uống, vệ sinh, tiếp khách họ sẽ sử dụng dịch vụ ở bên ngoài căn hộ mini, nên diện tích căn hộ không cần lớn.
Ở Hà Nội, ngay việc quy định 20m2 sàn cho 1 người cũng chưa thật ổn. Bởi nếu căn hộ nhỏ dưới 20m2 mà làm gác xép có thể chứa được 3-4 người. Chưa kể, hiện nay nhiều bạn trẻ sống ở Hà Nội, TPHCM rất linh hoạt trong cư trú mà ở Việt Nam mới xuất hiện (dù chưa nhiều), như thuê container, nhà xe di động, như thế họ vẫn cư trú thường trực mà TP vẫn không kiểm soát được nhân khẩu…
Có lẽ Hà Nội nên hạn chế nhập cư dựa trên thu nhập hơn là diện tích sàn và cần xem lại các giải pháp hạn chế dân cư tích cực. Chẳng hạn, tập trung phát triển vành đai ngoài và các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, nhằm giãn dân và đón dân nhập cư, không nên nén dầy đặc các chung cư cao tầng vào khu vực các quận trung tâm, tự tạo ra sức hút từ bên ngoài vào khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ quá tải.