(ĐTTCO) – Nghị định thu hút doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp do Bộ NN&PTNT xây dựng dự kiến sẽ trình Chính phủ vào quý I/2017.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của ngành nông nghiệp. Vì vậy, để thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp là một trong những giải pháp được Chính phủ và Bộ NN&PTNT hết sức quan tâm.
Với dự thảo Nghị định về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chiến lược định hướng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với định hướng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, Bộ sẽ ưu tiên tập trung 4 lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển của ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thứ nhất là sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, bao gồm giống rau, hoa, ngô, lúa lai; các giống vật nuôi chính như bò, lợn, gia cầm (gà thịt, gà đẻ trứng); sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng cây gỗ lớn. Trong lĩnh vực thủy sản, tập trung nghiên cứu và sản xuất bằng được giống tôm thẻ chân trắng.
Thứ hai là sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao, sản xuất thức ăn bổ sung phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi; sản xuất thiết bị chuồng trại chăn nuôi; thiết bị giết mổ (tự động) và thiết bị chế biến sữa; sản xuất thiết bị, dụng cụ để sản xuất thuốc thú y; dụng cụ, thiết bị, hóa chất để chẩn đoán, xét nghiệm; dụng cụ và thiết bị phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; công nghệ xử lý nhiệt, xử lý chiếu xạ phục vụ xuất khẩu nông sản; công nghiệp phụ trợ trong chế biến gỗ; công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất máy nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ cảng cá; sản xuất trang thiết bị tiên tiến phục vụ nuôi trồng, khai thác và bảo quản, chế biến thủy hải sản.
Thứ ba là chế biến sâu nông lâm thủy sản để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, cụ thể: sản phẩm chế biến từ lúa gạo; bảo quản, chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu; chế biến sâu các sản phẩm từ sắn; công nghệ chế biến ướt cà phê, chế biến cà phê hòa tan, lên men và chế biến ca cao; xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống công nghiệp từ chè (đóng lon, chai...); chế biến sâu sản phẩm cao su, hệ thống xử lý nước thải nhà máy sơ chế cao su; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chế biến các sản phẩm từ lợn, mật ong, sữa, trứng; trồng, chế biến và tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ; đầu tư cơ sở chế biến phi thực phẩm (hóa mỹ phẩm, dược phẩm…) từ nguyên liệu, phụ phẩm từ chế biến thủy sản.
Cuối cùng, ngành nông nghiệp sẽ tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế dần các loại thuốc được sản xuất từ các hóa chất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất vaccine phòng chữa bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm và vaccine thủy sản; sản xuất thuốc thú y sử dụng công nghệ mới (không ảnh hưởng tới môi trường, không tồn dư, không kháng thuốc).