Theo dự thảo, thời gian tới, các trường trung cấp công lập có thể bị “xóa sổ”. Thông tin này đang khiến nhiều trường trăn trở.
Học viên Trường Trung cấp nghề Hùng Vương (TPHCM) trong giờ thực hành
Loại bỏ trường yếu kém
Theo thống kê của Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB-XH, tính đến hết năm 2020, cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó, gần 410 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập, và hàng ngàn cơ sở GDNN cấp quận huyện. Do trải rộng và bao phủ như vậy, nên quản lý nhà nước đối với GDNN còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bất cập chính là công tác quy hoạch phát triển GDNN, bao gồm mạng lưới các trường, phân bố theo ngành kinh tế và theo lãnh thổ; ngành nghề đào tạo trong các trường, cũng như cơ chế phối hợp công - tư trong GDNN chưa rõ ràng, thiếu định hướng. Vì vậy, theo dự thảo, giai đoạn 2021-2025, giảm số lượng cơ sở GDNN công lập 10% so với năm 2020 (số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020), phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập lên 40% vào năm 2025. Mục tiêu là hình thành 37 trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh tại 37 tỉnh, thành. Giai đoạn 2026-2030, thành lập thêm 26 trường cao đẳng đa ngành công lập ở các tỉnh, thành còn lại. Trường trung cấp được tồn tại đến năm 2030. Như vậy, sau năm 2030, trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Mỗi tỉnh, thành chỉ còn 1 trường cao đẳng đa ngành.
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, việc sắp xếp lại cơ sở GDNN nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, ở các địa phương khó khăn và nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách. Bên cạnh đó, sẽ từng bước chuyển trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành trung ương về địa phương quản lý (đối với trường đóng trên địa bàn địa phương mà nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với trường do địa phương quản lý).
Không đánh đồng
Nhận định về dự thảo này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho hay, việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN là phù hợp. Thực hiện tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2017-2021, bộ ngành, địa phương đã sắp xếp, giảm được 11% số lượng cơ sở GDNN công lập; từng bước giảm sự trùng lặp về ngành, nghề đào tạo; giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo…
Tuy nhiên, Bộ LĐTB-XH cần cẩn trọng. Đối với các trường hoạt động không hiệu quả, yếu kém thì cần thiết phải giải thể hoặc sáp nhập. Với những trường đang phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cần nghiên cứu lại và có lộ trình cụ thể… “Bộ cần có tiêu chí sàng lọc khi sáp nhập, không áp dụng một chỉ tiêu chung cho tất cả địa phương, vùng miền”, TS Nguyễn Đức Nghĩa góp ý.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TPHCM, cho biết, TPHCM hiện có trên 566 cơ sở đào tạo nghề với gần 510.000 học sinh, sinh viên theo học. Riêng Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại thành phố có 34 trường (gồm 26 trường trung cấp và 8 trường cao đẳng).
Bên cạnh đó, chỉ tính năm 2020 - khi thành phố chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các cơ sở GDNN đã đào tạo và cung cấp cho thị trường gần 142.000 người học sau tốt nghiệp các trình độ; tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của thành phố lần lượt đạt 14,83% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 82,49% ở 9 ngành dịch vụ và 2,67% của 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối Asean. “Nếu thực hiện theo dự thảo, sau năm 2030, trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Mỗi tỉnh, thành chỉ còn 1 trường cao đẳng đa ngành. Việc đặt mục tiêu sáp nhập cứng như vậy là không khả thi”, ông Đỗ Hữu Khoa nói.
Theo ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TPHCM, để dự thảo thực sự mang “hơi thở cuộc sống”, Bộ LĐTB-XH cần có sự đánh giá tổng thể, chi tiết về hoạt động GDNN và công tác phân luồng học sinh sau THCS ở từng khu vực để phân bổ hợp lý. Không thể đem tổng dân số, nhu cầu nguồn nhân lực của một tỉnh miền núi hay trung du áp cho những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng… để đánh đồng chỉ còn 1 hoặc 2 trường nghề. Đơn cử, TPHCM mỗi năm cần 140.000-160.000 lao động có tay nghề, nếu chỉ còn 1 trường cao đẳng đa ngành, chắc chắn trường đó không thể đáp ứng nhu cầu, và việc phấn đấu đến năm 2025 có 70% học sinh THCS đi học nghề hoặc hệ 9+ sẽ thất bại. Đồng thời, việc “xóa sổ” trường trung cấp là đi ngược với sự phát triển đào tạo nghề trên thế giới, không phù hợp với cơ cấu nhân lực theo trình độ hiện nay. |