Có thể nói nửa đầu năm 2021 là giai đoạn cực kỳ thành công của thị trường chứng khoán khi thanh khoản liên tiếp lập các kỷ lục mới. VN-Index cũng vượt ngưỡng 1.400 điểm sau khi kết thúc tháng 6 - tương đương mức tăng 23% so với hồi đầu năm.
Thế nhưng nửa cuối năm, triển vọng của thị trường sẽ như thế nào? Nhà đầu tư nên phân bổ dòng vốn vào nhóm cổ phiếu nào?
Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nhiều địa phương từ cuối tháng 4, tuy nhiên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II vẫn tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện từ mức 4,65% trong quý đầu tiên; nhờ đó GDP 6 tháng tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng qua là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới. VNDirect dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 và 7,4% trong năm 2022 nhờ sự mở rộng của ngành sản xuất và ngành dịch vụ hồi phục mạnh mẽ.
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nếu đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (6%-6,5%), lạm phát không diễn biến xấu, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp như hiện tại, tỷ giá VND/USD diễn biến ổn định, cùng một số động lực khác như hoạt động thoái vốn cổ phần hoá nửa cuối năm được đẩy nhanh, hệ thống giao dịch được cải thiện... thì mức hợp lý chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2021 sẽ là 1.480 điểm.
Xét về khía cạnh phân bổ nguồn vốn đầu tư trong nửa sau năm 2021, KBSV cho rằng, các nhóm ngành như bất động sản và bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thuỷ sản và dầu khí sẽ có triển vọng tích cực.
Các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành này có thể kể đến như: Tác động tích cực của môi trường lãi suất thấp (với nhóm ngân hàng, bất động sản); xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam và việc thương mại quốc tế dần khôi phục khi chương trình tiêm vắc-xin được đẩy mạnh ở các nước phát triển (bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, thuỷ sản).
Cùng với đó là xu hướng tăng (dầu khí) của giá hàng hoá. Hay một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng (công nghệ thông tin, điện) mà không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các biến động vĩ mô.
Trong khi đó Công ty chứng khoán Thành Công đánh giá, những cổ phiếu MWG và PLX là hai mã có mức định giá tương đối hấp dẫn, sẽ phục hồi mạnh sau khi dịch kiểm soát đi cùng tính thanh khoản và tình hình tài chính hấp dẫn để đầu tư. MWG hiện tại đang có chỉ số P/E theo dõi năm 2021 chỉ khoảng 13x, trong khi đó PLX đang được hưởng lợi từ giá dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, một khi cả thế giới có mức độ tiêm chủng vắc-xin đủ lớn, ngành hàng không sẽ là ngành có tiềm năng phục hồi lớn nhất. Trong nhóm ngành này, các cổ phiếu được đánh giá cao là ACV, SCS. Một số doanh nghiệp có mức độ nhạy cảm cao như HVN và VJC sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi hàng không nước ngoài được mở cửa.
Bất động sản khu công nghiệp cũng là ngành bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian tới. Các khách hàng từ nước ngoài mong muốn tìm các khu đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến sẽ được nối lại sau khi dịch được kiểm soát trên toàn cầu và ở Việt Nam. Cơ hội nhìn chung sẽ dành cho các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và sẵn sàng cho thuê như PHR, NTC, SIP, VGC và cả IDC.
Trên khía cạnh rủi ro, việc khối ngoại dự báo sẽ tiếp tục rút vốn ròng trong nửa cuối năm nay có thể gây ảnh hưởng tâm lý đến các nhà đầu tư nội mặc dù nếu xét về quy mô, vốn đầu tư nội đang chiếm ưu thế tuyệt đối.
Theo ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, tình trạng bán ròng của khối ngoại sẽ không kéo dài. Bởi các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra tỷ suất sinh lợi vượt trội nhờ vào câu chuyện vĩ mô tích cực tại Việt Nam, cộng thêm tiềm năng thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới. Kết quả khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút khối ngoại quay trở lại.