Như vậy, kế hoạch 100 ngày giải cứu hệ thống giao dịch HoSE với sự trợ giúp của FPT đã chính thức về đích đúng hẹn. Hệ thống giao dịch mới có công suất xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, đồng thời cũng bỏ cơ chế phân bổ số lượng lệnh hàng ngày cho các CTCK, và cũng được cải thiện khả năng xử lý số lượng lệnh gửi vào.
Theo nhận định của NĐT, trong phiên đầu tiên hôm nay, dù lệnh mua bán được đẩy lên thông suốt nhưng hệ thống giao dịch mới vẫn có thời điểm bị trục trặc. Đơn cử là phiên giao dịch chiều, điểm số của VN Index bị “treo” ở mức giảm hơn 13 điểm, khiến cho NĐT gặp khó khăn khi nhận định về xu hướng, để có thể đưa ra mức giá hợp lý.
Việc hệ thống HoSE không “mượt” trong ngày đầu vận hành như kỳ vọng khiến NĐT đẩy mạnh bán ra để chốt lời sau khi VN Index vượt đỉnh 1.400 điểm. Áp lực cung xuất hiện trên khắp bảng điện, từ những mã có vốn hoá lớn cho đến những mã CP nhỏ.
Lực bán mạnh khiến VN Index có thời điểm xuyên thủng mốc 1.400 điển trong phiên sáng, với số điểm giảm ghi nhận giảm hơn 21 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên, giúp cho chỉ số này không giảm sâu trong ngày HoSE “khai trương” hệ thống giao dịch mới.
Chốt phiên hôm nay, VN Idnex giảm 9,14 điểm (tương đương 0,64%) xuống còn 1.411,13 điểm. Toàn sàn HoSE có 278 mã giảm (34 mã giảm sàn), 112 mã tăng (5 mã tăng trần) và 28 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm VN30 có 22 mã giảm, 1 mã đứng giá và 8 mã tăng gồm: FPT, HDB, MWG, STB, TPB, TCB, VHM, VPB.
Hệ thống mới đã kéo dòng dòng tiền quay trở lại trong phiên hôm nay. Theo thống kê, giá trị giao dịch của sàn HoSE đạt 817,3 triệu CP, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 28.000 tỷ đồng.
Nếu tính giá trị giao dịch của 2 sàn còn lại là HNX và UPCoM thì tổng giá trị giao dịch toàn thị tường trong phiên hôm nay đạt xấp xỉ 32.900 tỷ đồng.