Hồi phục từ đáy
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý IV-2022 vừa được SAS công bố, doanh thu thuần đạt 559 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, SAS ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng (tăng 336% so với cùng kỳ năm 2021), lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng (gấp 70 lần so với năm 2021).
Với kết quả này, kết thúc năm tài chính 2022, Sasco đã hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và vượt 156% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Đây thật sự là kết quả hết sức khả quan nếu so với thời điểm năm 2021, với lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Theo giải trình của SAS, lợi nhuận trong năm 2022 tăng cao do hoạt động kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.
Hoạt động chính của Sasco chủ yếu trong mảng kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong giai đoạn 2020-2021 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2020, Sasco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 919 tỷ đồng (giảm 68%) và 149,5 tỷ đồng (giảm 60%). Đáng chú ý, quý II-2021, Sasco bất ngờ báo lỗ 14,5 tỷ đồng, dù doanh thu thuần trong kỳ tăng 56% (đạt 94 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu so kỹ BCTC, sẽ thấy tăng trưởng này đến từ nền cơ sở thấp của năm 2020, thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. BCTC cũng cho thấy sự sa sút nghiêm trọng của doanh nghiệp ở thời điểm này, với doanh thu tài chính giảm đến 81% xuống chỉ còn hơn 23 tỷ đồng.
Nguồn thu này không thể bù đắp chi phí quản lý doanh nghiệp gần 43 tỷ đồng (tăng 124%). Đây cũng là nguyên nhân khiến Sasco lần đầu ghi nhận quý kinh doanh có lợi nhuận âm, kể từ năm 2016.
Lấn sân bất thành
Năm 2001, Sasco quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng, với dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa. Dự án có quy mô hơn 131ha trên đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan, được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Sasco thuê để làm dự án.
Tháng 8-2008, UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 131ha đất lâm nghiệp cho Sasco thuê để thực hiện dự án trên. Sau khi được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ra quyết định cho thuê rừng với Ban quản lý rừng đặc dụng Lâm Viên, Sasco cũng đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Thế nhưng, dự án đã không thể triển khai trong thời gian khá dài do vướng 6,4ha đất rừng phòng hộ. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên. Theo thông báo, Thủ tướng không đồng ý chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện còn sang mục tiêu khác, kể cả công trình, dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai.
Đến tháng 10-2017, sau khi rà soát một số dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Văn phòng Chính phủ thông báo đồng ý cho Sasco được tiếp tục triển khai dự án. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở ngành hướng dẫn Sasco triển khai thủ tục thực hiện dự án, hướng dẫn hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án Suối Hoa.
Dù vậy, việc triển khai dự án vẫn hết sức gian nan, nhất là trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Cụ thể, trong năm 2019-2020 Sasco đã 3 lần tổ chức mời thầu dự án khu du lịch Suối Hoa. Lần đầu tiên phải hủy thầu do không có nhà thầu tham gia mua hồ sơ mời thầu.
Ở lần thứ 2, Sasco hủy thầu vì tất cả hồ sơ đề xuất của các nhà thầu tham dự đều không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hiện tại, Suối Hoa vẫn là một trong những dự án chậm tiến độ tại tỉnh Lâm Đồng và đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi.
Trước đó, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV cũng đề cập đến sai phạm tại dự án này.
Thông báo cho biết, SAS được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 131ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để làm dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng không triển khai. Dự án chưa làm thủ tục miễn giảm thuế, nhưng đã được Chi cục Thuế TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản miễn tiền sử dụng đất trái thẩm quyền, thất thu ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.
Đặc quyền khai thác Sân bay Tân Sơn Nhất thuộc về ai?
Tại thời điểm cuối năm 2021, cơ cấu cổ đông hiện tại của Sasco bao gồm cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (nắm 49,07% vốn), cùng 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, gồm Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
Với sự hỗ trợ của cổ đông nhà nước là ACV, Sasco sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là việc gần như độc quyền trong mảng bán hàng miễn thuế tại sân bay có lưu lượng hành khách đến và đi lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Sasco hiện đang bị chi phối đáng kể bởi gia đình đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn. Đại gia này hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của Sasco với tổng tỷ lệ sở hữu 45,26%. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cũng là Thành viên HĐQT của Sasco.
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, nhưng dịch vụ sân bay thực tế mới là nguồn thu chính với hàng trăm tỷ đồng thu về mỗi năm. Ở thời điểm hoàng kim, Sasco được xem là “con gà đẻ trứng vàng”. Đơn cử, trong năm 2019, gia đình đại gia này nhận được 90 tỷ đồng từ cổ tức của Sasco. Trong thông báo mới đây, Sasco lên kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10%. Với mức chi trả này, gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn dự kiến thu về gần 60 tỷ đồng.