Phục hồi rừng phòng hộ
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đề án thu hồi 1.400ha rừng ở khu vực suối Phướn (suối đầu nguồn sông Hà Thanh) để chuyển qua rừng phòng hộ. Đây được xem là động thái nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong giai đoạn dài tự phát phong trào xâm chiếm rừng để làm rẫy, trồng keo tràm. Để lấy lại rừng, địa phương phải bỏ ra khoản kinh phí gần 27 tỷ đồng; trong đó, trên 9,4 tỷ đồng phục vụ đền bù cho người dân thu hồi đất lâm nghiệp, còn lại trồng rừng phòng hộ, công tác bảo vệ, đo đạc…
“Nếu ngay từ đầu việc giao đất, giao rừng và quản lý tốt, không để người dân xâm hại quá mức khu vực đầu nguồn suối Phướn thì hệ lụy sẽ không xảy ra và tỉnh không phải mất tiền để “mua” lại rừng như vậy”, một chuyên gia lâm nghiệp nhìn nhận.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định), cho biết, giải pháp căn cơ để hạn chế sạt lở, ngập lụt cho huyện là phục hồi rừng. “Chúng tôi phải nuôi lại rừng phòng hộ, từng bước giảm diện tích rừng sản xuất. Sau khi làm xong đề án khôi phục rừng ở suối Phướn, chúng tôi sẽ lấy lại rừng ở hồ Suối Lơn”, ông Phan Văn Cường nói…
Hiện nay, tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án quy hoạch rừng giai đoạn 2 (2021-2025) để phân định các loại rừng và bóc tách những khu rừng sản xuất tràn lấn rừng tự nhiên.
Theo TS Nguyễn Đình Thành (Viện Kinh tế Bình Định), giải pháp để nâng chất lượng rừng là phải trồng cây gỗ lớn, nhưng Nhà nước phải có kinh phí hỗ trợ các địa phương. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt, bảo hiểm lâm nghiệp và hỗ trợ người dân trong các thủ tục cấp chứng chỉ để xuất khẩu gỗ rừng trồng. Ngoài ra, cần kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp để có được liên kết chuỗi trong đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Khi thu hoạch cần khai thác lệch pha hoặc theo từng luống nhỏ và trồng thay thế ngay, không nên khai thác trắng cùng một lúc.
Cùng quan điểm, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, để phục hồi rừng và giảm thiểu nạn sạt lở, lũ quét, cần thiết triển khai trồng rừng gỗ lớn. Hiện, Quảng Nam đã có kế hoạch trồng rừng gỗ lớn tại 14 huyện. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 năm thực hiện chỉ mới trồng được 2.512,39ha, đạt 25,12% so với kế hoạch. Tuy nhiên, Quảng Nam đang quyết liệt triển khai thay thế rừng keo tràm bằng rừng gỗ lớn để phục hồi rừng, phục hồi khả năng giữ nước của rừng, mới có thể kéo giảm được sạt lở và lũ quét.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan quy hoạch lãnh thổ, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có thời kỳ quản lý rừng lỏng lẻo khiến cho rừng núi mất đi khả năng phòng vệ trong xu thế biến đổi khí hậu gia tăng. Phải nhận thức rõ cặp phạm trù “rừng - núi” bởi núi có vai trò là lớp đệm, là phần thực thể giữa rừng kết nối với đồng bằng. Vì vậy, việc cắt núi, phá núi và “vắt kiệt” sự sống của núi là điều tai hại. Không chỉ cứ giữ rừng là tốt mà phải giữ lấy núi; giữ lấy đa dạng sinh học, đa tầng của đồi núi. Cũng như rừng, hàng triệu năm núi nuôi dưỡng hệ sinh thái đặc biệt dưới tán rừng, nhưng chỉ một thời kỳ ngắn vài chục năm tàn phá núi quá mức thì hệ lụy sẽ còn kéo dài. Hiện nay, giải pháp là phải nâng chất lượng của rừng, nuôi dưỡng lại hệ sinh thái của đồi núi mới giúp giảm bớt những biến cố khó lường của thiên tai dọc miền Trung và Tây Nguyên.
Đồi núi Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) bị “băm nát” để làm resort. Ảnh: NGỌC OAI
Đảm bảo sinh kế cho người dân
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KH-KT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, để ứng phó với tác động mưa lũ, sạt lở từ rừng xuống biển, chỉ tập trung bàn đến các giải pháp làm sao để bảo tồn, giữ rừng và “đóng cửa” rừng, mà không quan tâm đến sinh kế người dân thì rất khó để làm được. Cần đi sâu nghiên cứu để đánh giá khả năng phát triển kinh tế từ đa dạng sinh học ở các khu rừng.
Chẳng hạn, tại huyện miền núi An Lão (Bình Định), đơn vị đã nghiên cứu giống cây chè dây bản địa có giá trị kinh tế cao, đang hướng dẫn cho hội phụ nữ huyện di thực ra khỏi rừng đến canh tác ở các cánh rừng sản xuất ở độ dốc thấp. Dự án này cũng được Công ty CP dược Bình Định hỗ trợ, cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm để tạo ra các dược liệu phục vụ y tế.
“Chúng ta nên chọn cách dễ nhất, phù hợp với tập quán, tập tục, thói quen của người dân ven núi, ven rừng. Trong đó, rừng núi ở miền Trung gần như là kho tàng dược liệu quý, nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế, giống cây bản địa ưu việt, có thể khai thác những nguồn giống này để cải thiện những khu rừng sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ như vậy, người dân mới đảm bảo sinh kế, sống thuận thiên với rừng mà không xâm hại rừng”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho rằng, bài toán sinh kế trong việc phục hồi rừng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi tất cả những tác động, hệ lụy do sạt lở, ngập lụt vừa qua đều do con người, nên giải quyết nguyên nhân đều phải bắt đầu từ con người.
“Không có giải pháp nào khác là cần có kinh phí lớn để quy hoạch lại rừng, bóc tách, thu hồi những vùng rừng xung yếu, giảm diện tích rừng keo tràm. Bên cạnh việc phục hồi chất lượng rừng trồng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống các hồ chứa để giữ nước, giảm sức hung hãn của lũ”, ông Hồ Đắc Chương kiến nghị.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, lũ lụt ngày càng tăng ở miền Trung, Tây Nguyên, PGS-TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, cho rằng, ngoài nguyên nhân cơ bản do biến đổi khí hậu, thì tác động của con người quá mức.
“Hạ tầng đô thị ven biển, giao thông, công trình đều dần trở nên bất cập đối với thiên tai hiện nay. Trong đó, nguyên nhân chính là do phát triển không hợp lý. Các giải pháp công trình chạy đua đổ vốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng rất nhanh trở nên lạc hậu, không phù hợp. Đô thị ven biển thì ồ ạt xây dựng khu dân cư, giao thông, nâng nền đổ đất, không quan tâm đến hệ thống thoát lũ tự nhiên.
Các giải pháp chống ngập, chống lụt ở đô thị làm nhỏ giọt, tiết kiệm rồi bớt xén và chạy theo lợi ích kinh tế. Đua nhau san lấn, xâm phạm sông hồ, dòng chảy để làm khu đô thị, san bán nền chứ chẳng quan tâm nhiều đến thoát nước, thoát lũ.
Hệ quả là tự chúng ta nhốt mình vào vòng bí bách của đô thị, rồi mưa lũ lớn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Nhìn vào quy hoạch đô thị ven biển quá bất cập, nếu khắc phục thì rất tốn kém. Tương lai người dân ở các đô thị ven biển, nhất là ở miền Trung, còn gánh chịu nhiều hệ lụy”, PGS-TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.
Quy hoạch lại, nâng chất lượng rừng |
Nói về giải pháp khắc phục ngập lụt cho TP Đà Nẵng, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, khẳng định, quy hoạch TP Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với việc ngập lụt. Tức là sự chuẩn bị về quy hoạch để ứng phó với việc ngập lụt, trước hết phải tăng không gian xanh, đặc biệt là khu vực đồi núi giáp với đồng bằng nên có những vành đai rừng để giữ nước, làm chậm tốc độ nước từ trên núi đổ xuống. Cùng với đó là tăng không gian xanh công viên TP Đà Nẵng. Hiện diện tích công viên tại Đà Nẵng khá thấp. Các công viên có vai trò khi mưa lớn, hạ tầng không kham nổi thì nước đổ vào công viên, thẩm thấu xuống đất, bổ sung nước ngầm. Một mặt giảm ngập, mặt khác giúp giảm xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cần tăng không gian cho nước bằng cách xây dựng thêm hệ thống kênh rạch, các hồ điều tiết. Đối với những khu vực đô thị đã làm kín hết thì tương lai xa phải tính đến xây dựng các hồ điều tiết ngầm để thu nước. Đồng thời, đô thị cần phải được quy hoạch cốt nền đủ cao, phối hợp với quy hoạch không gian cho nước ở khu vực thấp gần đó để giảm tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. |