Người dân khơi thông miệng cống trong đêm mưa lũ 14-10 tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Lũ quét vì mất rừng
Từ hiện trường vụ lũ quét, sạt lở ở đầu nguồn suối Huồi Giảng (biên giới huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) mới đây, nhiều cơ quan chức năng nhận định là do mất rừng, chất lượng “giá đỡ” của rừng bị suy giảm. Các thảm rừng nguyên sinh đã bị tàn phá, xâm hại để phục vụ dự án thủy điện hoặc nương rẫy. Riêng xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn), nơi trận lũ quét tàn phá nặng nề nhất, đã phải gồng gánh đến 3 nhà máy thủy điện dọc lưu vực sông Nậm Mộ. Theo UBND huyện Kỳ Sơn, trận lũ ống, lũ quét ở suối Huồi Giảng là do lượng mưa quá lớn, dòng chảy thay đổi đột ngột dồn dập từ nhiều phía đổ về thung lũng Khe Cạn (xã Tà Cạ). Các bản làng, nhà dân nằm dưới các thung lũng bị tổn thất nặng nề…
Trước thực trạng thiên tai, sạt lở, lũ quét gia tăng, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch thị trấn Vân Canh (Bình Định), nhìn nhận, do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do chất lượng rừng suy giảm. Trước đây, nhiều vùng rừng núi còn nguyên vẹn, tầng phủ thực vật dưới tán rừng còn dày nên mưa lớn chảy qua lớp phòng vệ dưới tán rừng không gây lũ quét. Gần đây, việc trồng keo tràm theo kiểu “ăn xổi”, chỉ 3-4 năm thu hoạch rồi đốt, phá hủy lớp phủ thực vật dưới tán rừng làm núi đồi trơ cằn, trọc lốc khiến cho sạt lở, lũ quét gia tăng. Tương tự, đợt ngập lũ vào giữa tháng 10-2022 ở Đà Nẵng, ngoài nguyên nhân mưa lớn kéo dài vượt quá hạ tầng thoát nước thiết kế thì nguyên nhân chính do diện tích rừng trồng keo tràm ở phía Tây thành phố bị khai thác đồng loạt, không còn khả năng giữ nước. Vì vậy, mưa xuống chừng nào, nước trút hết về đô thị kèm theo bùn đất, rác như những trận lũ quét ở miền núi.
TS Nguyễn Đình Thành, người nhiều năm công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Bình Định (hiện đang công tác tại Viện Kinh tế Bình Định), cho biết: “Theo dõi bản đồ vệ tinh, có thể thấy rõ ở 2 mảng rừng của huyện An Lão (Bình Định) giáp ranh với mảng rừng huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), thì thấy phía Bình Định rừng bị cạo trọc lốc, thành rẫy keo tràm hết; còn phía xã Ba Trang (huyện Ba Tơ) rừng vẫn còn nguyên màu xanh. Rõ ràng, trong quy hoạch, quản lý, trồng rừng giữa các địa phương có sự vênh nhau, không tuân thủ theo hiện trạng của rừng”.
Đô thị hóa quá mức
Nguyên nhân của đợt ngập lũ vừa qua tại Đà Nẵng ngoài mưa quá lớn, thời gian dài, lượng nước vượt xa thiết kế thoát lũ, thì phía mặt biển của Đà Nẵng, các công trình cao tầng mọc san sát, kèm theo các bờ kè sóng biển bằng bê tông kiên cố vô tình trở thành những bờ đê ngăn nước. Mưa lớn kèm theo triều cường và nước từ thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia đổ về khiến đô thị ven biển như Đà Nẵng ngập chìm trong lũ. Theo TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, có một phần nguyên nhân rất lớn làm gia tăng sức tàn phá của ngập lụt, thiên tai là do quá trình bê tông hóa đô thị khá cao.
Còn theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững, bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị trong trường hợp xảy ra mưa với cường độ lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ dưới tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù đô thị ven biển luôn được xác định là vệ tinh phát triển, động lực lan tỏa phát triển vùng, nhưng theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc khớp nối hạ tầng còn chậm chạp và không đồng bộ đã tạo độ vênh đô thị, tác động đến đời sống người dân lẫn khả năng ứng phó với thiên tai.
Đánh giá ngập lụt ở các thành phố tại Tây Nguyên thời gian qua, TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, việc phát triển diện tích xây dựng lớn khiến hệ thống thoát nước không đảm bảo yêu cầu. Ngoài ra, không dành khoảng không xen kẽ giữa các khu dân cư để thấm nước, hút nước khiến xảy ra ngập lụt. Để giải quyết vấn đề ngập lụt, TS Hà cho rằng, giải pháp ngắn hạn là nâng cấp hệ thống thoát, tiêu nước; về lâu dài, cần nhìn nhận lại quy hoạch đô thị theo hướng cảnh quan, phải bố trí khoảng xanh phù hợp để hỗ trợ việc thoát nước tự nhiên, tránh trình trạng bê tông quá dày trên một diện tích.
Phục hồi rừng không hiệu quả
Một thực tế khác, từ nhiều thập kỷ qua, hàng loạt dự án ứng phó với biến đổi khí hậu được các tỉnh miền Trung triển khai ở khu vực miền núi, ven biển. Trong đó, dù nhiều dự án ngốn ngân sách rất lớn để phục hồi, bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng…, nhưng không phát huy hiệu quả. Đơn cử như dự án khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên (dự án KFW6) vốn 12,3 triệu EUR (khoảng 190 tỷ đồng, giai đoạn 2013) nhưng đến nay đã hết vốn, “gãy gánh” giữa đường. Trong đó, đa số người dân đều tự phá bỏ dự án chuyển qua trồng keo, tràm dẫn đến nguy cơ rất nhiều diện tích rừng tự nhiên; rừng phòng hộ trước đây lồng ghép vào dự án, nay trở thành rừng sản xuất. Tại nhiều địa phương, rừng dự án được cấp sổ cho người dân nên ngành chức năng rất khó để can thiệp, khiến “dự án mất, rừng cũng mất”.
Nhiều năm qua, các chương trình phục hồi rừng, trồng rừng gỗ lớn để nâng chất lượng rừng trồng dường như vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc ở những cuộc hội thảo. “Việc trồng rừng gỗ lớn ở các tỉnh miền Trung hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều tỉnh thực hiện ở tầm nhỏ lẻ, mang tính mô hình, chứ chưa thể lan rộng. Nhiều nơi triển khai giữa chừng do người dân không có vốn để đeo đuổi, khi gặp sự cố rủi ro về thiên tai thì bỏ luôn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ không cao, bảo hiểm lâm nghiệp không có nên rất khó để thực hiện”, TS Nguyễn Đình Thành trăn trở.
Tại Bình Định, đề án trồng rừng gỗ lớn được địa phương nhen nhóm từ năm 2016, nhưng đến nay mới được HĐND tỉnh thông qua. Hiện toàn tỉnh chỉ có 3 công ty lâm nghiệp được giao trồng rừng gỗ lớn nhưng hiệu quả thực tiễn và lan tỏa không cao. Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định), cho biết, từ năm 2012, tỉnh Bình Định đã có nhiều kế hoạch thí điểm phát triển rừng gỗ lớn tại huyện Vân Canh. Tuy nhiên, dự án nào cũng “gãy gánh” do bà con không đủ sức để theo. Năm 2014, có một số hộ dân ở xã Canh Hiển theo dự án trồng rừng gỗ lớn trên 2ha, nhưng khi rừng phát triển được 4 năm thì gặp phải một cơn bão mạnh tàn phá, sau đó nhà nước không có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, không có bảo hiểm lâm nghiệp nên các hộ này… trắng tay.
Bảo tồn “giá đỡ” cho các đô thị Theo kiến trúc sư Đào Quý Tiêu, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, hệ quả của quy hoạch đô thị quá mức, không quan tâm đến hệ thống tiêu thoát nước, vành đai ứng phó với gió bão, khiến cho quá trình khắc phục tốn rất nhiều tiền của. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị, không gian sống cho người dân, cần tính toán đến những yếu tố khí hậu theo từng cấp độ đến cực đoan nhất. Việc phát triển đô thị cần hạn chế tối đa xâm hại tự nhiên. Đặc biệt, đối với các thế núi, thế sông, suối, hồ, đầm, vịnh cần giữ nguyên trạng vì đó là những “giá đỡ” cho các đô thị trước thiên tai. |
Dự án “băm nát” núi Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, khu vực đồi núi đèo Quy Hòa ven biển giáp ranh TP Quy Nhơn, thị xã Sông Cầu đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đáng ngại nhất, các khu vực đèo như tại dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng GreenHill Village, khu vực gần làng chài Bãi Xếp (phường Ghềnh Ráng), khu vực Bãi Bàng (thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu)… đồi núi đang bị san bạt tràn lan, rình rập nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người tham gia giao thông trên quốc lộ 1D vào mùa mưa. |