Sau 2 tuần rầm rộ, Temu 'vội vàng' xin cấp phép hoạt động

(ĐTTCO) - Ngày 24-10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang TMĐT Pinduoduo, chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, dù chưa đăng ký kinh doanh TMĐT với cơ quan quản lý nhưng người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, Temu làm nóng thị trường với chương trình bán hàng siêu rẻ và tung ra những chương trình khuyến mãi khủng với thông điệp "mua sắm như tỷ phú". Thậm chí, trên các nền tảng mạng xã hội, một số KOL còn lên bài kêu gọi mọi người tải app đăng ký để nhận tiền hoa hồng.

Mức giá bán siêu rẻ của Temu còn khiến Thứ trưởng Bộ Công Thương phải giật mình. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết TMĐT là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài. Song theo ông Ngân, việc quản lý chưa chặt chẽ, có sàn chưa đăng ký hoặc thậm chí là không thu thuế được là không đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Giá rẻ ở trên các sàn TMĐT như Temu hay Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.

"TMĐT giúp người dân dễ tiếp cận trong mua hàng, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về thất thu thuế, thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Mới đây nhất, Sở Công Thương TPHCM vừa có kiến nghị gửi Bộ Công Thương về triển khai các giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển TMĐT, nhất là TMĐT xuyên biên giới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN trong và ngoài nước.

Cơ quan này đã nêu loạt vi phạm xảy ra trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt là quảng cáo và khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Những vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Các tin khác