Thế nhưng, theo đánh giá, với tiến độ như hiện nay, năm 2024 mới có thể đưa vào vận hành khai thác. Đây là mốc thời gian đã chậm so với kế hoạch 6 năm.
Đã hoàn thành hơn 96% khối lượng
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, đến thời điểm này tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 96% khối lượng. Cụ thể, gói thầu chính CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố ), gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son), gói thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot) cơ bản đã hoàn thiện.
Riêng gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) hoàn thành 93% khối lượng. Theo mục tiêu của MAUR đề ra, sẽ hoàn thành công tác xây dựng cơ bản vào quý IV cũng như hoàn thành công tác đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành vào tháng 6-2024.
Các hạng mục tại nhà ga Nhà hát Thành phố (quận 1) dần hoàn thiện. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Hiện MAUR đang phối hợp cùng các nhà thầu và tư vấn hoàn thiện hồ sơ chất lượng để thực hiện công tác nghiệm thu các gói thầu xây dựng vào tháng 1-2024; tháng 3-2024 sẽ hoàn thiện 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao của tuyến. Cùng với đó là tiến hành đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và đào tạo lái tàu, nhân viên vận hành. Sau khi được các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu hoàn thành dự án, tuyến tàu điện sẽ bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 7-2024.
Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Nguyễn Quốc Hiển cho biết, để chuẩn bị cho công tác vận hành, khai thác tuyến metro số 1 sau khi hoàn tất công tác thi công, MAUR đang hoàn thiện đề cương nghiệm thu, đồng thời kiến nghị UBND TPHCM giao MAUR quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong thời gian từ năm 2024-2028 và dịch vụ quản lý đặt hàng cung ứng dịch vụ công lĩnh vực đường sắt đô thị…
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, thời gian qua, MAUR đã chạy thử trên toàn tuyến từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên và hoàn thiện quy trình vận hành khai thác, bảo trì; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá phục vụ cho quản lý, vận hành khai thác.
Vẫn lo… thủ tục
Tuyến metro số 1 được triển khai thực hiện từ tháng 3-2007 và đã phải điều chỉnh thời gian hoàn thành nhiều lần, chủ yếu do vướng… thủ tục. Đơn cử như lần điều chỉnh dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, nhưng bị “phá sản” do chờ ký phụ lục số 19 - hợp đồng tư vấn chung. Ngoài ra, một số quy định, tiêu chuẩn, thủ tục liên quan đến đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống chưa có cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Đến nay, dự án vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến giải quyết việc điều chỉnh thiết kế tường vây của gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố). Chưa hết, để đưa dự án vào khai thác, vận hành khai thác thương mại, MAUR cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện các công tác như nghiệm thu hoàn thành; đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng, thực hiện các thủ tục kết thúc dự án.
Tàu Metro chạy thử đầu tiên toàn chuyến ngày 29-8-2023 đi ngang bến xe miền Đông. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo kế hoạch, các công tác này sẽ triển khai vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, gói thầu CP3 “cơ điện, đường ray, đầu máy toa xe” vẫn đang nhập khẩu các thiết bị dự trữ phục vụ cho mục đích bảo hành, bảo dưỡng và thay thế trong quá trình vận hành. Theo MAUR, đầu năm 2024, dự án vẫn còn một số hoạt động như: thanh toán khối lượng còn lại, quyết toán các hợp đồng thi công, tư vấn; hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng...
Tất cả công việc này đòi hỏi khá nhiều thủ tục nên để tạo sự yên tâm về mặt pháp lý cho các nhà thầu, MAUR kiến nghị UBND TPHCM xem xét và chấp thuận chủ trương cho phép tiếp tục triển khai các công việc của dự án metro số 1 trong cả năm 2024. Trong đó, cho phép MAUR và các nhà thầu được tiếp tục gia hạn danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của dự án; tiếp tục triển khai thực hiện các hợp đồng đã ký kết; xác nhận khối lượng, nghiệm thu, thanh toán các gói thầu…
Nhiều lần… lỡ hẹn
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM (trong tổng số 8 tuyến metro) khởi công năm 2012, có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (sau khi đã điều chỉnh tăng vốn). Dự án có chiều dài gần 20km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức). Tuyến gồm 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được UBND TPHCM giao MAUR làm chủ đầu tư.
Dự kiến năm 2024, tuyến metro số 1 sẽ được thực hiện nghiệm thu, hoàn thiện dự án và vận hành thương mại với giá vé tuyến khoảng 12.000-18.000 đồng/lượt, vé tháng 260.000 đồng.
Năm 2007 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.387 tỷ đồng. Năm 2009, được cập nhật, tính toán lại, tổng mức đầu tư tăng lên 47.325 tỷ đồng.
Năm 2012, TPHCM khởi công xây dựng dự án và dự kiến hoàn thành năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018. Thế nhưng, năm 2019, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm còn 43.757 tỷ đồng và quyết định lùi ngày hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý 4-2022.
Tháng 4-2022, TPHCM kiến nghị lùi thời gian hoàn thành đến quý 4-2023. Tháng 10-2023, MAUR xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024 và đặt mục tiêu khai thác thương mại vào tháng 7-2024.
Các đoàn tàu của tuyến metro số 1 sản xuất tại Nhật Bản, gồm 3 toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tuyến tàu điện này sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...
Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các tàu để điều khiển trong quá trình vận hành. Theo thiết kế, đoạn trên cao tuyến metro số 1 cho tàu chạy tốc độ tối đa 110km/giờ và 80km/giờ với đoạn ngầm.
Một số tồn tại cần khắc phục
Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vừa đưa ra đánh giá về dự án đường sắt đô thị số 1, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, hội đồng cho rằng còn một số tồn tại cần được khắc phục. Cụ thể, hệ thống thông gió, điều hòa không khí và chữa cháy thuộc gói thầu 1a, nhà thầu còn thiếu bản vẽ thiết kế kỹ thuật, chưa đảm bảo tính pháp lý như không có dấu của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định và chủ đầu tư.
Chưa cung cấp được kết quả kiểm định chất lượng cho cáp chống cháy, tôn tráng kẽm; chưa cung cấp giấy chứng nhận hợp quy của điều hòa không khí và kiểm định an toàn hệ thống lạnh theo quy chuẩn QCVN 21:2015 của Bộ LĐTB-XH. Chưa cung cấp biên bản nghiệm thu chạy thử đơn động, liên động hệ thống cơ điện, thang máy, hạng mục phòng cháy chữa cháy; biên bản thử áp đường ống nước điều hòa và phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo tính chính xác.
Đối với hồ sơ hoàn thành công trình gói thầu 1b, qua kiểm tra xác suất hồ sơ hoàn thành công trình 1 phân đoạn thi công hầm bằng khiên đào (TBM) và 1 phân đoạn hầm đào hở, thiếu bản vẽ hoàn công trắc dọc tim hầm, tọa độ mặt cắt ngang hầm thực tế; kết quả thí nghiệm cường độ bê tông của phòng thí nghiệm LAS-XD 698 chưa phù hợp với tiêu chuẩn thí nghiệm AASHTO T22.
Đối với hạng mục đoàn tàu, các thử nghiệm độ bền kết cấu thân xe, thử giá chuyển hướng nhà thầu chỉ thực hiện 2/3 toa tàu; thử nghiệm cửa chỉ thực hiện 1/3 toa tàu là chưa tuân thủ theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Với những tồn tại trên, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công, liên danh tư vấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thi công, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị, các đoàn tàu đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và quy trình vận hành.