(ĐTTCO) - Vào những ngày cuối tháng 6-2016, thủ phạm gây ra sự cố môi trường tại 6 tỉnh miền Trung đã được xác nhận là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Và trong khi vụ việc liên quan đến Formosa vẫn còn nóng hổi, dư luận lại tiếp tục lo ngại về việc Nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam xây dựng tại tỉnh Hậu Giang, bởi khi đi vào hoạt động, mỗi năm có khả năng thải ra 28.500 tấn xút (NaOH), tác động xấu đến môi trường.
Vấn đề đặt ra là liệu sau vụ Formosa, thảm cảnh về môi trường có tiếp diễn không, khi hiện nay có hàng loạt dự án tương tự được triển khai trên cả nước? Lo ngại này là có cơ sở, bởi một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến khá nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường do các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở các ngành sản xuất như sắt thép, giấy, dệt nhuộm, bột ngọt, điện... gây ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam là do công tác thẩm định dự án cũng như giám sát việc vận hành các dự án này sau khi đi vào hoạt động bị buông lỏng. Vậy ai là những người thẩm định - phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) và cấp phép xả thải cho các dự án nói trên. Và những công việc đó có thực hiện đúng quy trình?
Theo nguyên tắc, khi các báo cáo TĐMT xin chủ trương đầu tư được các cơ quan cấp phép đầu tư phê duyệt, tiếp đến các dự án đầu tư có lượng nước thải trên 10.000m3/ngày đêm phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước tại Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). Đồng thời, trong quá trình thẩm định báo cáo TĐMT và thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải, phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của dự án, đi kèm với việc công khai thông tin về hồ sơ xin cấp phép xả thải đến người dân và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, chủ dự án phải thực hiện những nội dung trong báo cáo TĐMT giai đoạn xin chủ trương đầu tư đã được phê duyệt trước đó. Quy định này này nhằm xác nhận chủ dự án thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng quyết định phê duyệt báo cáo TĐMT trước khi đi vào vận hành.
![]() |
Như vậy có thể hiểu rằng báo cáo TĐMT là công cụ để sàng lọc dự án cho các cơ quan cấp phép đầu tư. Vậy mà, báo cáo TĐMT ban đầu của Formosa được Bộ TN-MT phê duyệt năm 2008 cho phép công ty này xả nước thải sau xử lý ra sông Quyền, không thải trực tiếp xuống biển. Nhưng không biết căn cứ vào cơ sở nào ngày 11-12-2015, Bộ TN-MT lại ký quyết định cho phép Formosa xả nước thải ra vùng biển ven bờ vịnh Sơn Dương? Luật Bảo vệ môi trường 2015 cũng quy định: “Chủ dự án phải lập lại báo cáo TĐMT nếu không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng, kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo TĐMT”. Trong khi với trường hợp của Lee & Man Việt Nam, quyết định phê duyệt báo cáo TĐMT được UBND tỉnh Hậu Giang cấp từ tháng 9-2008, nhưng đến tháng 3-2015 (sau gần 7 năm) họ mới khởi công xây dựng nhà máy mà không cơ quan nào phát hiện ra để bắt buộc họ lập lại báo cáo TĐMT. Càng lạ hơn nữa, cũng vào ngày 11-12-2015 (ngày cấp phép xả thải cho Formosa), Bộ TN-MT đồng thời ký quyết định cấp phép xả thải cho Lee & Man Việt Nam với lưu lượng 50.000m3/ngày ra sông Hậu, và bộ này cũng... không biết báo cáo TĐMT được phê duyệt từ tháng 9-2008 của Lee & Man Việt Nam đã không còn hợp pháp.
Cần phải hiểu rằng, việc thẩm định TĐMT không phải là thủ tục để hợp thức hóa việc cấp phép đầu tư như từ trước đến giờ vẫn diễn ra, mà thẩm định TĐMT phải thực sự đóng vai trò phép là thử quan trọng để các cơ quan cấp phép đầu tư từ chối những dự án có nguy cơ gây tổn hại tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là kênh thông tin nhằm phản ánh kịp thời công việc thẩm định TĐMT của các cơ quan và cá nhân có liên quan, tránh việc “đánh trống bỏ dùi”, không theo sát kiểm tra ở giai đoạn vận hành.
Nhìn lại vụ Formosa và Lee & Man, có thể nhận thấy một điểm khá giống nhau là các tiêu chí về công nghệ, đánh giá tác động môi trường đã được thẩm tra, được phê duyệt quá dễ dãi. Thậm chí có thể khẳng định việc cấp giấy phép xả nước thải của Bộ TN-MT cho cả Formosa và Lee & Man đều vi phạm Luật Bảo vệ môi trường 2015 và Luật Tài nguyên nước 2013. Chính vì vậy nhiều người không thể không băn khoăn tại sao hệ thống pháp luật với vô số điều kiện kinh doanh về môi trường, cùng một rừng văn bản hướng dẫn vẫn để lộ ra những lỗ hổng cho các dự án gây hại tới môi trường. Và nếu không kịp thời có biệp pháp mạnh để chấn chỉnh thực trạng này, sẽ tiếp tục có nhiều trường hợp như Formosa và Lee & Man lộ diện.