Nghi vấn có “bảo kê” công trình sai phép
Hiện nay, người dân địa phương, nhất là người dân ở khu phố 3, phường 9, quận 5 rất bức xúc và bàn tán xôn xao về công trình 51 Nguyễn Chí Thanh xây dựng vượt nhiều tầng so với giấy phép.
“Tại nhiều cuộc họp, người dân, đảng viên khu vực bày tỏ bức xúc vì sao công trình sai phạm lộ thiên vẫn không bị xử lý”, ông Nguyễn Hoàng Diễu, Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 9, quận 5, dẫn lại các ý kiến được ông ghi nhận khi đề cập đến công trình này.
Cũng theo ông Diễu, tại các cuộc họp ở khu phố, cuộc họp chi bộ, nhiều người dân và đảng viên đã bày tỏ bức xúc về những sai phạm ở công trình 51 Nguyễn Chí Thanh. Theo ông Diễu, sai phạm ở công trình này là nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nên người dân địa phương đặt nghi vấn có sự “bảo kê” từ các cán bộ có trách nhiệm, để chủ đầu tư xây lố nhiều tầng. Ông Diễu cũng kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm đối với các sai phạm ở công trình này.
Công trình 51 Nguyễn Chí Thanh xây dựng vượt nhiều tầng so với giấy phép
Có mặt tại địa chỉ 51 Nguyễn Chí Thanh, phóng viên ghi nhận nơi đây hiện là một tòa nhà cao tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc, nhà ở cho thuê có mặt tiền rộng hơn 10m, nằm sát ký túc xá Đại học Kinh tế TPHCM. Quan sát từ bên hông của tòa cao ốc này dễ dàng nhận thấy sự không đồng bộ trong hoàn thiện do có sự chênh lệch về thời gian xây dựng ở từng khối của công trình.
Đặc biệt, ở các tầng trên cùng hiện vẫn còn những mảng tường chưa được tô, sơn nước chưa hoàn tất và hiện rõ những thanh sắt từ các thanh đà chạy dọc theo chiều sâu của căn nhà. Một kỹ sư xây dựng nhận xét, các thanh sắt này nhằm tạo điều kiện để cho việc cấy sắt và tiếp tục xây dựng về sau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3-2009, công trình số 51 Nguyễn Chí Thanh được UBND quận 5 cấp phép xây dựng. Đến tháng 7-2009, giấy phép xây dựng trên được thay thế bằng giấy phép khác với kết cấu công trình là văn phòng làm việc kiên cố gồm tầng hầm, tầng trệt, 1 tầng lửng và 5 lầu. Toàn bộ công trình cao 24m. Công trình được xây dựng trên thửa đất rộng hơn 600m2, được cấp phép xây dựng với tổng diện tích hơn 3.053m2. Trong đó, tầng hầm và các tầng 1, 2, 3, 4 có diện tích 11mx38,2m; tầng 5 là tầng trên cùng, cũng là tầng duy nhất xây lùi vào gần 18m so với các tầng bên dưới (diện tích 11mx20,7m). Như vậy, đối chiếu giữa hiện trạng thực tế của công trình hiện nay (hơn 10 tầng) với giấy phép xây dựng là có sự chênh lệch rất lớn.
Xử phạt chiếu lệ, “dung dưỡng” sai phạm
Theo hồ sơ chúng tôi có được, công trình sai phép này đã bị UBND phường 9, quận 5 lập biên bản vi phạm vào cuối tháng 5-2013. Các hạng mục sai phép được ghi nhận gồm: tăng gần 12m2 tại sàn tầng trệt; tăng diện tích xây dựng tại sàn tầng mái với gần 63m2; lắp đặt mặt đứng trước công trình dẫn đến làm tăng chiều cao công trình hơn 9m. Cùng với việc lập biên bản vi phạm hành chính, UBND phường yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công và phải tháo dỡ phần diện tích sai phép trong vòng 24 giờ. Do chủ đầu tư không chấp hành, UBND phường 9 đã ra quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần sai phép trong vòng 3 ngày (kể cả ngày nghỉ), nếu không sẽ bị cưỡng chế. Đối với hành vi vi phạm này, UBND phường 9 nhận thấy mức phạt vượt thẩm quyền xử lý của phường nên có văn bản kiến nghị UBND quận 5 ra quyết định xử phạt.
Gần cuối tháng 6-2013, UBND quận 5 ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 25 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục sai phép. Gần nửa tháng sau, UBND phường 9 phối hợp với Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn kiểm tra thì chủ đầu tư cũng tiếp tục cam kết sẽ tự tháo dỡ phần diện tích sai phép và hoàn tất trong vòng 1 tháng. Nhưng hết thời hạn cam kết, chủ đầu tư vẫn không tháo dỡ nên UBND phường “cầu cứu” UBND quận, Phòng Quản lý đô thị quận. Nhưng sau đó, chủ đầu tư vẫn không chấp hành việc tháo dỡ và điều khó hiểu là cả chính quyền địa phương lẫn đơn vị quản lý trật tự xây dựng chuyên ngành là Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng vẫn không tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.
Đến cuối tháng 6-2016, UBND phường 9 phối hợp với thanh tra xây dựng kiểm tra và xác định công trình được “phù phép” phần diện tích sân thượng (ở phía sau công trình) thêm nhiều tầng. Yêu cầu ngưng thi công, tự phá dỡ công trình vi phạm cũng được đưa ra. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không chấp hành và tiếp tục xây dựng trái phép, nâng tổng số tầng xây lố lên ít nhất 4 tầng. Tổng diện tích sai phép ít nhất cũng hơn 450m2.
Trong vụ việc này, bên cạnh sự lơi là trong kiểm tra, thiếu biện pháp yêu cầu ngừng thi công cũng như buộc tháo dỡ phần sai phép thì việc xử phạt của cơ quan chức năng rất khó hiểu.
Đơn cử, cuối tháng 6-2016, UBND phường lập biên bản, ghi nhận: “Chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” với số tầng vượt là 2, diện tích “cơi nới” vượt giấy phép là hơn 300m2… Vậy nhưng, UBND phường chỉ xử phạt 4 triệu đồng (không áp dụng tình tiết tăng nặng do trước đó chủ đầu tư đã vi phạm và tháo dỡ phần sai phép) và hoàn toàn không có hình thức phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả. Chính sự “kiểm tra, xử phạt cho có” như trên là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm ở công trình vượt nhiều tầng này vẫn tồn tại cho đến hôm nay.
Liên quan đến sự việc này, Ban Nội chính Thành ủy TPHCM đã vào cuộc yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm. Thông tin thêm với PV Báo SGGP vào ngày 31-10, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM Võ Văn Quận cho biết vừa có văn bản đốc thúc Sở Xây dựng cùng UBND quận 5 phối hợp xử lý dứt điểm vụ việc. Trong đó, bên cạnh xử lý công trình vi phạm, 2 đơn vị này cũng cần phải làm rõ trách nhiệm các cán bộ liên quan và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.
Thanh tra xây dựng “bỏ qua” vi phạm? Sự “dễ dãi” của chính quyền địa phương dẫn đến vi phạm nghiêm trọng ở công trình 51 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5 đã rõ. Vậy còn trách nhiệm của Thanh tra xây dựng thì sao? Trở lại thời điểm khi phát hiện công trình 51 Nguyễn Chí Thanh xây dựng sai phép (vào tháng 5-2013) thì lúc này UBND TPHCM quyết định thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng với biên chế tăng thêm gần cả ngàn người. Với lực lượng hùng hậu này, Sở Xây dựng phân chia và bố trí về tất cả 24 quận - huyện. Mặt khác, để nâng hiệu quả quản lý trật tự trên địa bàn thành phố, tháng 12-2013, UBND TPHCM đã ban hành quy chế phối hợp giữa Thanh tra xây dựng và chính quyền cơ sở. Theo đó, Thanh tra xây dựng sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra xử lý các công trình xây dựng sai phép. Đối với công trình không phép, trách nhiệm thuộc về UBND phường - xã - thị trấn. Đến nay, quy chế này vẫn đang được áp dụng. Theo tài liệu chúng tôi có được, lực lượng Đội thanh tra xây dựng địa bàn quận 5 đã nhiều lần cùng tham gia khi UBND phường 9 kiểm tra, giám sát việc thực hiện yêu cầu đình chỉ thi công, tháo dỡ phần sai phép thì lực lượng thanh tra cũng chủ trì kiểm tra công trình này. Trong một lần chủ trì kiểm tra công trình này, Thanh tra xây dựng ghi nhận “không có hoạt động xây dựng” nhưng lúc này công trình đã cao 10 tầng. Biên bản của Thanh tra xây dựng ghi rõ: “Tại hành lang các tầng 8, 9, 10 có sử dụng bạt che mưa, nắng thiếu mỹ quan và không đảm bảo an toàn”. Trong khi công trình này chỉ được cấp phép 1 hầm, 1 lửng, 5 lầu nhưng lực lượng Thanh tra xây dựng cũng “cho qua”. |