Bằng cách lắp thiết bị đo đếm từ xa, ngành điện đang hướng tới tự động hóa việc đo đếm, tính tiền điện mà không cần tới nhân viên ghi chỉ số điện nữa.
Chương trình trên là một trong những giải pháp xây dựng “hạ tầng đo đếm tiên tiến” thuộc đề án xây dựng lưới điện thông minh đang được triển khai tại nhiều công ty điện lực.
Ngồi văn phòng tính tiền điện
Theo như thông lệ, cứ đến ngày 10 và 24 hằng tháng, nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn (Tổng công ty Điện lực TP.HCM - EVN HCMC) sẽ đến khách sạn Kim Đô (133 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1) để ghi chỉ số điện. Do khách sạn thuộc đối tượng khách hàng tiêu thụ điện lớn (từ 50.000 kWh/tháng trở lên) nên mỗi tháng nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn phải hai lần đến đây để ghi chỉ số điện.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Uy Danh, nhân viên phụ trách kỹ thuật khách sạn Kim Đô, cho biết từ khi ngành điện gắn thiết bị đo đếm điện từ xa đến nay, anh không còn phải túc trực đưa nhân viên điện lực ghi chỉ số nữa.
Đo đếm điện từ xa giúp khách hàng đỡ phiền hà khi phải mở cửa cho nhân viên ngành điện chốt chỉ số và hạn chế tình trạng ghi chỉ số điện sai. | |
Ông Luân Quốc Hưng, |
Một nhân viên kỹ thuật điện của khách sạn Rex cho rằng một thuận lợi khác của việc lắp thiết bị đo đếm từ xa là có thể truy cập vào mạng Internet xem lượng điện tiêu thụ hằng ngày, hằng giờ để điều chỉnh nhu cầu sử dụng hoặc kịp thời phát hiện những việc sử dụng điện chưa hợp lý.
Ông Phạm Quốc Thành, trưởng phòng kinh doanh Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết điện kế đo đếm từ xa tại khách sạn Kim Đô và khách sạn Rex là hai trong 800 trường hợp được công ty lắp đặt từ năm 2014 đến nay.
Hiện công ty đang mở rộng thêm 40 trường hợp khác, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 này. Trước mắt, những đối tượng được lắp thiết bị đo đếm từ xa chủ yếu là những khách hàng lớn sử dụng điện kế điện tử như đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (ngoài sinh hoạt).
Giải thích nguyên lý hoạt động của thiết bị này, ông Thành cho biết những điện kế điện tử có sẵn tại nhà khách hàng sẽ được lắp đặt thêm bộ modem nhỏ gọn. Modem này sẽ trích xuất các dữ liệu như số lượng điện tiêu thụ của điện kế, dòng điện, chất lượng điện để báo về máy chủ đặt tại các công ty điện lực thông qua sóng 3G.
Cứ 30 phút, modem sẽ truyền tín hiệu một lần. Tín hiệu truyền về từ điện kế không chỉ là lượng điện tiêu thụ mà cả những trường hợp như sự cố, tụt áp... cũng sẽ được phát thông tin về máy chủ để bộ phận giám sát biết và điều động nhân viên xử lý kịp thời.
Từ các dữ liệu truyền về, đến thời điểm nhân viên phòng kinh doanh các công ty điện lực sẽ chốt chỉ số điện (thời gian được thỏa thuận trước với khách hàng - PV) và gửi thông tin về điện thoại di động để khách hàng cùng giám sát.
Từ số liệu này, nhân viên công ty điện lực ra hóa đơn tiền điện điện tử và email cho khách hàng hoặc gửi hóa đơn nếu khách hàng có yêu cầu. Khách hàng cũng có thể chọn phương thức thanh toán tiền điện qua hệ thống Internet Banking mà không cần trực tiếp đến các bưu cục hoặc công ty điện lực để đóng tiền...
Đến năm 2020 không còn nhân viên ghi chỉ số điện
Theo ông Nguyễn Phú Vĩnh - trưởng ban kinh doanh EVN HCMC, hiện nay có khoảng 2 triệu điện kế trên địa bàn TP, trong đó điện kế ngoài sinh hoạt là 200.000, phần còn lại là điện kế sinh hoạt. Sau một năm triển khai chương trình đo đếm điện từ xa, đến nay trên toàn địa bàn TP đã lắp đặt thiết bị đo đếm từ xa cho 7.600 khách hàng (chủ yếu đối tượng ngoài sinh hoạt), dự kiến trong năm 2016 sẽ gắn thêm thiết bị này cho 2.900 điện kế nữa.
Riêng đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt cũng được triển khai chương trình đo đếm từ xa từ năm 2016 qua hình thức: truyền dữ liệu từ cáp điện và qua sóng vô tuyến (RFMESH). Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết theo kế hoạch dự kiến từ nay đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành chương trình đo đếm điện từ xa trên toàn địa bàn TP...
Theo đánh giá của ông Luân Quốc Hưng - phó trưởng ban kỹ thuật EVN HCMC, việc triển khai chương trình đo đếm điện từ xa giúp EVN HCMC từng bước nâng cao khả năng phục vụ khách hàng. Nhưng việc giám sát việc chốt chỉ số điện như thế nào khi có ý kiến lo ngại việc truyền dữ liệu từ điện kế điện tử sẽ bị tác động khiến khách hàng sử dụng ít nhưng đồng hồ chạy nhiều?
Trả lời câu hỏi này, ông Hưng cho rằng các điện kế điện tử khi đưa vào sử dụng đều đạt chất lượng và được kiểm định theo quy định. Mặt khác, việc truyền dữ liệu từ điện kế về máy chủ theo nguyên tắc một chiều và được mã hóa nên việc can thiệp, điều chỉnh là chuyện rất khó xảy ra.
Trường hợp giám sát chỉ số điện, lượng điện tiêu thụ, khách hàng có thể truy cập vào trang web http://cskh.hcmpc.com.vn, nhập mã số khách hàng để xem số lượng điện tiêu thụ, số tiền thanh toán qua các kỳ hóa đơn. Ngoài ra, ngay thời điểm chốt chỉ số, các công ty điện lực đều nhắn tin cho khách hàng biết để đối chiếu với lượng điện đã sử dụng thực tế trên điện kế.
Trường hợp khách hàng nghi ngờ điện kế chạy sai có thể yêu cầu nhân viên điện lực đưa thiết bị đến kiểm tra, nếu vẫn không đồng ý với kết quả kiểm tra thì sẽ đưa điện kế đi kiểm định ở một đơn vị độc lập làm cơ sở giải quyết.
Sắp xếp công việc cho nhân viên ghi chỉ số điện Ông Nguyễn Phước Đức, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC - phụ trách 21 công ty điện lực phía Nam), cho biết cũng đang triển khai chương trình đo đếm điện từ xa. Cụ thể, EVN SPC đã triển khai cho 40.000 trong số hơn 100.000 điện kế ngoài sinh hoạt và khoảng 1 triệu/7 triệu điện kế thuộc đối tượng sinh hoạt. Theo ông Đức, do chi phí đầu tư điện kế đo đếm từ xa lớn hơn điện kế thường và tất cả chi phí này đều được đưa vào chi phí đầu tư ngành điện nên quá trình triển khai theo lộ trình, không thể làm một lúc được. Ngoài ra còn phải tính toán, sắp xếp, bố trí lại công việc cho đội ngũ nhân viên ghi chỉ số điện. |