SHTP: Thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM (SHTP) ra đời ngày 24-10-2002 và là 1 trong 3 Khu CNC quốc gia do Chính phủ thành lập. 
Nhằm tiến tới xây dựng mô hình đô thị khoa học - công nghệ (KHCN) đầu tiên của TPHCM cũng như cả nước, PGS.TS LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết:
Hiện nay cơ bản các sản phẩm chủ lực của SHTP đúng theo tiêu chí sản phẩm CNC, có tính cạnh tranh toàn cầu. Hàm lượng giá trị tạo từ R&D (nghiên cứu phát triển) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần, vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm tại các khu công nghiệp cả nước, dự kiến đến năm 2020 sẽ đóng góp khoảng 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM.
Cơ sở hạ tầng SHTP đã nối kết thuận lợi các tuyến giao thông quan trọng quốc nội và quốc tế. Đến nay đã tạo ra các sản phẩm CNC về vi mạch bán dẫn, nano, sinh học. Bên cạnh đó, SHTP đã tham gia xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp trên nền tảng CNC, đã tạo được kết nối chuỗi giá trị gia tăng từ R&D, thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ CNC đến sản xuất CNC.

PHÓNG VIÊN: - Vậy trong hoạt động R&D,  đào tạo và ươm tạo, SHTP đã thu hoạch được những gì, thưa ông?

 6 tháng đầu năm 2017, Ban quản lý SHTP đã cấp 16 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn 134,47 triệu USD; trong đó 13 dự án trong nước với vốn đăng ký 112,77 triệu USD, 3 dự án FDI với vốn đăng ký 21,97 triệu USD. Lũy kế đến nay, SHTP có 162 dự án đầu tư, với tổng số vốn 6,7 tỷ USD, giá trị sản xuất đạt trên 22,3 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt gần 22 tỷ USD.  
Ông LÊ HOÀI QUỐC: - Về hoạt động nghiên cứu triển khai, năm 2016 SHTP đã đầu tư 15 triệu USD  xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano và cơ khí chính  xác. Trong 2017 sẽ đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng 4 phòng thí nghiệm CNC mới tại Trung tâm R&D.
Về lĩnh vực đào tạo, Trung tâm Đào tạo SHTP hiện có khối nhà 4 block chính, với diện tích khoảng 5.000m2 sàn, các phòng, lớp học được trang bị hiện đại, được ngân sách TP đầu tư từ năm 2011 đến nay khoảng 76 tỷ đồng. Năm 2012, SHTP đã đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo SHTP - Microsoft (SMIC).
Cuối tháng 2 vừa qua, trung tâm đào tạo đã khánh thành xưởng thực hành tự động hóa “Factory Automation” nhằm triển khai dự án đào tạo nhân lực ngành hệ thống tự động hóa với robot tại Việt Nam, thông qua hệ thống đào tạo robot công nghiệp của Công ty Toyooka, Nhật Bản. Giữa tháng 5-2017, trung tâm đào tạo cũng đã ký kết với Toyooka về việc thành lập Trung tâm đào tạo về tự động hóa và robot Việt - Nhật…
SHTP: Thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp ảnh 1 Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung trong SHTP. 
Trung tâm đào tạo cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật viên  theo  yêu  cầu  của  DN  hoạt  động  trong  và  ngoài  SHTP; thường xuyên tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ các DN để hỗ trợ DN tuyển dụng ứng viên đủ điều kiện vào làm việc tại SHTP.
Cụ thể, SHTP đã cấp phép một số dự án đào tạo nguồn nhân lực với Viện Nghiên cứu đào tạo Hutech, Viện Nghiên cứu công nghệ cao NTT, Đại học Fulbright, Westgo, Đại học FPT, Trung tâm Công nghệ VietJet Air. Trong lĩnh vực ươm tạo, Vườn ươm DN CNC đã đạt những kết quả khởi đầu tốt khi thu hút được 2 công ty hoạt động đầu tư phát triển CNC (đầu tư mạo hiểm). Bên cạnh đó, SHTP đã cấp phép các đơn vị ươm tạo, khởi nghiệp đầu tư như Innovation Center của Công ty Hòa Bình (750 tỷ đồng), Innovation Hub của Công ty Herbronstar (400 tỷ đồng)…

- Được biết năm 2017, SHTP  tập trung triển khai chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của DN CNC và chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm R&D từ các DN CNC, nhằm tạo ra sản phẩm CNC tiêu biểu cho TPHCM trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và công nghệ sinh học. Ông có thể cho biết cụ thể công việc này?

- Với mục tiêu đóng góp đáng kể về giá trị sản xuất sản phẩm CNC cho GRDP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ CNC, trong giai đoạn 2011-2015 SHTP đã triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của SHTP, gồm các chương trình nhánh như chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; chương trình thu hút DN KHCN vào Khu không gian khoa học; chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu; chương trình phát triển các ngành dịch vụ; chương trình hỗ trợ DN CNC.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế,  vừa qua SHTP đã được UBND TP phê duyệt dự án KHCN thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm được R&D từ các DN đang hoạt động tại SHTP giai đoạn 2017-2018.
Theo đó, hàng năm SHTP sẽ lựa chọn và hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm R&D có triển vọng thương mại hóa cao (tập trung vào những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc các sản phẩm chủ lực của các ngành công nghiệp trọng yếu của TP), và ít nhất 5 sản phẩm của DN khởi nghiệp trên nền tảng sản phẩm đổi mới sáng tạo từ kết quả R&D, có tính ứng dụng cao, với kinh phí hỗ trợ 1-3 tỷ đồng cho 1 sản phẩm thương mại hóa.

-  Như vậy, SHTP đã thu hút chuyên gia trong và ngoài nước góp sức cho sự phát triển của TP như thế nào?

- Ngay từ thời gian ban đầu mới thành lập, SHTP đã là đơn vị đi đầu của TP về việc kết nối với các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Cụ thể, 15 năm qua, SHTP đã hợp tác với hàng trăm lượt chuyên gia trong nước và quốc tế đến tham gia đào tạo chuyên môn sâu, chuyển giao công nghệ và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế.
SHTP hiện có mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Từ năm 2016, SHTP là 1 trong 4 đơn vị được UBND TPHCM cho phép triển khai thí điểm chương trình thuê chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt kiều thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo công nghệ nền, ươm tạo các DN CNC.
Điển hình như GS. Susumu Sugiyama - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo cảm biến áp suất và cảm biến áp trở của Nhật Bản đang giữ nhiệm vụ Giám đốc khoa học cho Trung tâm R&D; chuyên gia công nghệ bán dẫn Kazuhiko Nakamura từ Nhật Bản; chuyên gia Maxime Claude Projetti về thiết kế linh kiện MEMS đến từ Cộng hòa Pháp; các chuyên gia Việt kiều Hoàng Thế Bân, Nguyễn Đức Thái hoạt động trong các lĩnh vực kết nối chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực với Trung tâm Đào tạo và Vườn ươm DN CNC…

-  Ông kỳ vọng nơi này sẽ xứng đáng là khu CNC hàng đầu cả nước và khu vực?

- SHTP hiện đang là thành viên chính thức của Hiệp hội các Công viên Khoa học thế giới (ISPA), Hiệp hội các Công viên Khoa học châu Á (ASPA); hình thành được mối quan hệ quốc tế với các tổ chức Amcham, Eurocham, Jetro... và các trường đại học lớn như Georgetown, Illinoise University, Arizona SU (Hoa Kỳ), Sydney (Australia), Tsukuba (Nhật Bản) và UQUAM (Cananda), Daegu (Hàn Quốc), các nhà khoa học, doanh nhân người Việt ở nước ngoài, qua đó đã tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư, 4 hội nghị thường niên.
Dự án thành lập Trường Đại học Fulbright (Hoa  Kỳ) cũng đang được chuẩn bị khởi công trong năm 2017… Đây là những nền tảng để SHTP tăng cường hợp tác quốc tế về KHCN, đào tạo nhân lực trình độ cao, tiến tới từng bước trở thành khu CNC hàng đầu như chúng tôi mong mỏi.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác