'Siêu cống' thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Hài hòa cho sản xuất và sinh thái môi trường

(ĐTTCO)- Dự án “Siêu cống” thủy lợi lớn nhất Việt Nam, Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tỉnh Kiên Giang) vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khánh thành giúp kiểm soát nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp đa dạng.
Siêu cống thủy lợi Cái Lớn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Siêu cống thủy lợi Cái Lớn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Công trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ trong vùng bán đảo Cà Mau. Qua đó giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất từ chống đỡ với thiên nhiên sang chủ động kiểm soát.

Từ việc đưa vào vận hành công trình này, PV ghi lại ý kiến một số chuyên gia gắn bó nhiều năm với sự phát triển và quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long để có cái nhìn tổng quan, các giải pháp hiệu quả.

Ông Lê Hồng Linh - giám đốc Ban Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Cần đồng bộ với hệ thống thủy lợi nội đồng

Để phát triển các công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả, bền vững thì cần có sự đồng bộ. Đối với dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thì có 3 hạng mục cống chính gồm cống Cái Lớn, cống Cái Bé và cống Xẻo Rô. 

Năm 2022, năm được đánh giá có nguy cơ hạn mặn cao so với trung bình nhiều năm thì việc vận hành trong những tháng đầu năm cũng đã giúp vùng ngọt không bị mặn, vùng mặn thì giữ được độ mặn hợp lý để nuôi trồng thủy sản.

Đặc trưng của hệ sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là có hệ sinh thái mặn - lợ - ngọt. Công trình này là vòng bao ngoài, giúp kiểm soát ổn định bảo vệ vòng ngoài. Khi đưa vào vận hành nó làm nhiệm vụ không để xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn bất thường. 

Còn bên trong thì các thủy lợi nội vùng sẽ làm nhiệm vụ điều tiết phân bổ nguồn nước theo nhu cầu sản xuất của địa phương. Công trình sẽ vận hành không nhiều, mà chỉ vận hành khi thời tiết, nguồn nước cực đoan. 

Cần lưu ý công trình không phục vụ cho sản xuất trái vụ hay sản xuất không theo khuyến cáo địa phương, ví dụ lúa mùa 3 ở vùng sát U Minh Thượng. Nếu vận hành để đảm bảo nước cho mấy ngàn hecta lúa thì lại ảnh hưởng tới mấy chục ngàn hecta tôm.

Hệ thống thủy lợi này đặt trong vùng bán đảo Cà Mau và liên quan kết nối với hệ thống đê bao cống An Minh - An Biên. Tỉnh Kiên Giang còn 11 vị trí cống chưa đầu tư dù đã có dự án. Ban 10 mong tỉnh sớm bố trí vốn để thực hiện nhằm có sự kết nối đồng bộ trong hệ thống thủy lợi, giúp nó hoạt động hiệu quả.

Mở rộng ra đối với phát triển thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì có nhiều thách thức và cần phải đồng bộ mới phát huy hiệu quả. 

Chính phủ cũng đã giao Ban 10 thực hiện nhiều dự án để giải quyết vấn đề thủy lợi như sửa chữa lại cống âu thuyền Tắc Thủ (Cà Mau); dự án kiểm soát nguồn nước cho vùng nam sông Hậu cho tỉnh Sóc Trăng - Hậu Giang.

Dự án cống âu Nguyễn Tất Thành ở Tiền Giang; hoàn thiện dự án nam Măng Thít thuộc Vĩnh Long - Trà Vinh, dự án chuyển nước ngọt cho phía nam quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu.

Giáo sư Trần Đình Hòa - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Thuận thiên nhưng có sự ứng phó, kiểm soát để chủ động

Phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có nghiên cứu lâu dài và có sự thận trọng nhất định do cả vùng là một thể thống nhất. Kiểm soát nguồn nước là giải pháp cần thiết nhưng phải nghiên cứu lâu dài. 

Kiểm soát thì sẽ giúp chúng ta chủ động, nhưng tùy vào mô hình sản xuất, đặc điểm tự nhiên mới có giải pháp kiểm soát nguồn nước phi công trình hay công trình.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu 3 tác động chính về môi trường là biến đổi khí hậu làm thời tiết cực đoạn hơn, tác động của các nước thượng nguồn khi họ xây dựng các thủy điện nên lượng nước về giảm sút, sức ép phát triển làm cho sử dụng nguồn nước có thay đổi lớn. 

Đây là vùng nhạy cảm với các thay đổi tự nhiên, do đó nghị quyết 120 của Chính phủ đã định hướng cho Quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo các giải pháp "thuận thiên" để phát triển bền vững.

Thuận thiên ở đây là không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Khi thời tiết quá cực đoan nếu không can thiệp mà cứ chống đỡ thì ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh lương thực. Chúng ta vẫn phát triển thuận thiên nhưng có sự ứng phó, kiểm soát để chủ động. Các công trình thủy lợi khi được xây dựng cần chú ý tới vấn đề này.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là đầu mối kiểm soát nguồn nước khi thời tiết cực đoạn. Cụ thể khi mặn xâm nhập quá thì cản ngăn mặn, khi ngọt thiếu thì giữ lại nước ngọt để giúp sản xuất của người dân tốt hơn, chủ động hơn. Tuy nhiên nó cũng có những tác động nhất định. 

Thứ nhất vì mang tính chất đầu mối nên để phát huy hiệu quả thì cần có công trình nội đồng phía trong để phục vụ từng vùng sản xuất. 

Thứ hai trong quá trình vận hành sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quá trình lấy nước. Ví dụ tỉnh này cần ngọt nhưng tỉnh khác cần mặn thì phải có sự điều chỉnh linh hoạt và có sự chia sẻ giữa các vùng, các địa phương.

Siêu cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Hài hòa cho sản xuất và sinh thái môi trường - Ảnh 3.

Để công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả cần có sự đồng bộ với nhiều công trình khác - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Phan Văn Quân, Trungnam E&C - chỉ huy trưởng gói thầu XL01 cống Cái Lớn và XL04 cống Xẻo Rô:

Công trình sẽ hài hòa cho sản xuất và sinh thái môi trường

Gọi dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là siêu cống kiểm soát mặn của miền Tây thực sự không sai khi nó đứng sừng sững giữa lòng sông dài hơn 400m.

Khi Trungnam E&C nhận được gói thầu này, chúng tôi không quá đắn đo về tính chất kỹ thuật khi có kinh nghiệm xây lắp trong nhiều công trình khác. Nhưng chúng tôi nhận định đây vừa là thử thách, vừa là động lực để làm việc, cố gắng đảm bảo tiến độ triển khai như đã cam kết. Cuối cùng thì công trình về đích sớm hơn cam kết 2 tháng so với dự tính.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ cấp bách khu vực là giúp ổn định sản xuất cho vùng diện tích hơn 384.000 hecta khỏi sự ảnh hưỏng của xâm nhập mặn. Công trình sẽ mang đến sự hài hòa cho sản xuất, ổn định sinh kế, cũng như vẫn đảm bảo được các yếu tố về sinh thái môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Việc thi công phải triển khai nhanh và đồng bộ để giảm thời gian tác động đến thiên nhiên. Do đó đòi hỏi phải nắm được yếu tố thủy văn, và đặc điểm địa hình để đảm bảo "tiến bước nào, chắc bước đó", giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp với môi trường tự nhiên của sông Cái Lớn và ngược lại.

Chúng tôi còn đảm nhiệm thêm xây lắp phần âu thuyền (phần giúp tàu thuyền đi qua cống khi mực nước giữa hai mặt có chênh lệch khi vận hành) công trình cống Cái Lớn. 

Trong khi khung vây của các trụ cầu chỉ dài khoảng 45m, thì chúng tôi phải triển khai khung vây cho buồng âu dài hơn 150m cho toàn bộ phần buồng âu. Chính vậy, chúng tôi phải cố gắng thi công vượt tiến độ để giảm thời gian tác động trực tiếp đến môi trường tự nhiên của khu vực.

Ông Đỗ Thanh Bình, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang:

Giúp chủ động trong sản xuất nông nghiệp

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 570.000 hecta, chiếm gần 90,0% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Tuy nhiên, tỉnh đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu cực đoan, khó lường gây ra tình trạng xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. 

Do đó tỉnh đã tổ chức quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tập trung nguồn lực chuyển đổi sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Kiên Giang để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. 

Đây là công trình rất quan trọng trong kiểm soát được mặn, ngọt không chỉ Kiên Giang mà phần lớn diện tích đất sản xuất khu vực bán đảo Cà Mau, giúp các địa phương chủ động trong sản xuất nông nghiệp. 

Kiên Giang rất mong sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các tin khác