90% phường và tổ dân chưa có phản hồi
Ngày 23-8, các siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM như Satra, Saigon Co.op, AEON, MM Mega Market, Vinmart... cho biết vẫn mở cửa và sẵn sàng phối hợp với các phường xã cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của người dân. Các siêu thị cũng chủ động xây dựng nhiều combo hàng hóa thiết yếu, kèm mức giá cụ thể gửi cho các tổ đặc biệt tại phường. Tuy nhiên, mới chỉ có một số cửa hàng, siêu thị hoạt động.
“Chúng tôi đã chủ động liên hệ trực tiếp, làm việc với các phường/tổ dân phố, để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến người dân. Bên cạnh đó là kết nối với chương trình “đi chợ hộ” mà các phường/tổ dân phố thực hiện, nhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi”, bà Phương cho biết.
Đại diện hệ thống siêu thị này cho biết đến ngày 23-8, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ tại TPHCM đã tăng gấp 4 – 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời đầu tháng 8, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố trong thời gian giãn cách xã hội chống dịch. Hầu hết các phường xã tại TP đều có ít nhất một cửa hàng.
"Chúng tôi vẫn đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công thương TPHCM, để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời cho người tiêu dùng. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân để lên kế hoạch dự trữ phù hợp, đặc biệt với nhóm hàng tươi sống cần tiêu thụ trong ngày", bà Phương nói thêm.
Phía Mega Market cũng cho biết trong hôm nay, chỉ số ít khách hàng lẻ có giấy phép ra đường vào siêu thị mua hàng. Còn lại đa số nhân viên tập trung xử ý những đơn hàng online tồn đọng và giao hàng cho một số bếp ăn công nghiệp.
Trong ngày 23-8, nhân viên của AEON Việt Nam cũng gặp khó khăn đi lại, do chưa được cấp giấy đi đường từ Sở Công thương theo hướng dẫn của UBND TPHCM. Tuy nhiên, đại diện hệ thống này cho rằng sẽ kịp thực hiện các quy định, để nhân viên hoạt động trong vài ngày tới. Còn hiện nay đơn hàng chưa nhiều, do 3 ngày cuối tuần vừa qua, người dân đã mua và dự trữ lượng thực, thực phẩm thiết yếu.
Trong khi đó, nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm chủ động liên hệ với khách hàng từ ngày 22-8, để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và chốt đơn, chờ phương án giao hàng trong sáng 23-8, để chuyển hàng đến khách.
Hệ thống G kitchen - chuyên bán thịt và các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt, ngay chiều 22-8 đã nhận đơn hàng của người dân nhiều phường tại TP Thủ Đức. Trong sáng nay, khi phường Phước Long A có phương án giao hàng tạm thời, cho phép nhân viên cửa hàng được di chuyển tại một số khu vực của phường, nhân viên đã ngay lập tức đưa hàng đến tận nơi theo yêu cầu.
Bách Hóa Xanh cũng lập các group mua hàng theo cụm dân cư, khu chung cư, và sáng nay nhân viên cửa hàng cũng nhận đơn, giao hàng đến tận nhà khách mua.
Phía SatraFood cho biết từ ngày 23-8, chỉ 120 trong số 188 cửa hàng thuộc hệ thống này ở khu vực TPHCM hoạt động bình thường từ 7h sáng đến 16h30 mỗi ngày. Gần 70 cửa hàng phải đóng cửa do không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ".
Cung cấp mỗi ngày gần 11.000 tấn hàng hóa thiết yếu
Từ 23-8, người dân TPHCM phải đảm bảo "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố. Việc cung ứng, phân phối hàng hóa được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”, do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện tại địa phương, công an, quân đội thực hiện, với tần suất 1 lần/tuần và hộ dân trả tiền.
Sở Công thương TPHCM cho biết TPHCM dự kiến cung cấp mặt hàng thiết yếu bình quân mỗi ngày là 10.964 tấn. Trong đó có gạo, lương thực chế biến khô (mì, bún, phở...), thịt gia súc, thịt gia cầm, dầu ăn, rau củ quả…
Tổng nhu cầu tiêu dùng bình quân 15 ngày là 164.460 tấn, bình quân 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn.
Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống là 19 triệu lít/ngày (566 triệu lít/tháng).
Các mặt hàng chống dịch gồm có khẩu trang khoảng 628.969 cái/ngày; nước sát khuẩn (loại 0,5 lít) là 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).