Doanh nghiệp bán lẻ được nhắc tới trong báo cáo phân tích gần đây từ các công ty chứng khoán với triển vọng tích cực. Nhu cầu tăng vọt trong giai đoạn giãn cách, một phần do tâm lý tích trữ của người dân, giúp doanh thu các chuỗi lập kỷ lục.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm kỳ vọng nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ, như MWG và MSN, sẽ là động lực tăng cho thị trường nhờ kết quả kinh doanh tích cực.
Như Bách Hóa Xanh, tháng 7 ghi nhận kỷ lục mới với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% cùng kỳ năm trước. Lưu lượng khách bình quân gấp hơn hai lần, còn lượng hàng tươi sống bán ra gấp 2-3 so với giai đoạn trước. Tăng trưởng vượt trội đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách Hóa Xanh trong tổng doanh thu của Thế giới Di Động (MWG) lên tới 45%, lần đầu tiên vượt chuỗi bán điện thoại và điện máy. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng cũng đạt cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo MWG không hề lạc quan. "Việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh trong tháng 8 dự kiến là tháng thấp điểm. Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh công ty đề ra sẽ khó thực hiện được", đại diện MWG nói với nhà đầu tư trong cuộc họp trực tuyến cuối tuần trước.
Lo ngại của MWG không phải không có lý do. Sức mua bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã được dự báo, và tác động hiện tại khó có thể lượng hóa khi tình hình vẫn chưa bớt căng thẳng. Chỉ với riêng yếu tố, triển vọng của ngành bán lẻ sẽ gặp không ít thách thức.
Thực tế, sức tăng trưởng gần đây chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu. Nhóm sản phẩm này có cầu ít co giãn theo thu nhập, bởi túi tiền của người tiêu dùng tăng hay giảm, nhu cầu mua sắm vẫn giữ nguyên. Đà tăng trong giai đoạn giãn cách chủ yếu do tâm lý tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, những mặt hàng này có biên lợi nhuận không cao. Ngược lại, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các chuỗi bán lẻ lại có mức độ co dãn lớn hơn về cầu. Nói cách khác, sự phân hóa giữa các nhóm mặt hàng đang diễn ra.
Nhóm chuyên gia từ KPMG trong báo cáo đánh giá về ngành bán lẻ cho biết, sự phân hóa này diễn ra không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà đã trở thành thực trạng chung trên toàn thế giới. Các sản phẩm thiết yếu thiếu hụt, các chuỗi bán mặt hàng này tăng trưởng đột biến, nhưng phần còn lại của ngành bán lẻ rơi vào tình cảnh ảm đảm.
"Người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực như hoạt động ngoài gia đình và các mặt hàng xa xỉ. Họ chuyển trọng tâm sang các nhu cầu thiết yếu bao gồm thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng đóng gói để tồn tại trong thời gian giãn cách", Kantar Worldpanel viết trong báo cáo về bán lẻ sau đợt bùng phát dịch đầu tiên giữa năm 2020.
Khi được hỏi về triển vọng ngành bán lẻ trong tương lai gần, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của MWG, không giấu sự lo ngại.
"Chờ đợi sự bùng nổ về nhu cầu như chiếc lò xo bị ép lại là câu chuyện của những chuyên gia vật lý học, còn kinh doanh thì không có cái lò xo nào cả", ông Tài nói về triển vọng năm tới của ngành bán lẻ. Thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm sẽ khiến sức mua giảm và mức giảm này là tác động trong lâu dài, theo dự đoán của ông Tài, không chỉ năm nay mà tới năm sau, thậm chí còn ảnh hưởng cả giai đoạn 2023 - 2024.
"Khi nào mà công nhân quay trở lại làm việc, du lịch, sản xuất phục hồi thì mới có thể kỳ vọng sức mua gia tăng. Còn không có cái lò xo nào bị ép lại cả, chỉ có người lao động dùng hết tiền tiết kiệm mà thôi. Hiện tại một số người đã ở trạng thái ai cho gì ăn nấy rồi", ông Tài nói trong buổi họp trực tuyến với nhà đầu tư cuối tuần trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tháng 7, tổng mức bán lẻ giảm 8,3% so với tháng trước và giảm gần 20% so với cùng kỳ. Kết hợp số liệu này với con số doanh thu kỷ lục của MWG và những chuỗi siêu thị trong tháng 7, thì bức tranh của ngành bán lẻ với các ngành hàng khác đã ghi nhận mức sụt giảm đáng kể.
Còn nếu nhìn từ riêng MWG, doanh thu tháng 7 tăng 10% cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm tới 29%. Sự bù đắp của Bách Hóa Xanh trong cấu trúc doanh thu đã không mang lại ảnh hưởng tương tự về lợi nhuận.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu bán lẻ có hoàn toàn tiêu cực? Thực tế, cũng như nhiều ngành khác, mô hình chữ K cũng đúng với lĩnh vực này. Ngoài sự phân hóa giữa các ngành hàng, giai đoạn giãn cách với việc dừng hoạt động các mô hình bán lẻ truyền thống, đã tạo cơ hội cho các kênh hiện đại rút ngắn khoảng cách.
Cấu trúc ngành bán lẻ của Việt Nam cho tới trước khi đại dịch bùng phát vẫn chủ yếu là các kênh truyền thống. Theo số liệu của WorldBank, đến cuối năm 2018, các cửa hàng bách hóa hiện đại mới chiếm 10% thị phần. Tuy nhiên, khoảng cách này đang được khỏa lấp nhanh chóng. Tăng trưởng về lưu lượng khách, doanh số bán ra với các chuỗi siêu thị gần đây, dù là nhất thời do tâm lý tích trữ và tình hình bất khả kháng do chợ truyền thống đóng cửa, cũng sẽ dần tạo ra sự thay đổi về hành vi tiêu dùng.
"Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Mặc dù các kênh bán hàng truyền thống sẽ không thể bị thay thế, nhưng xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng", báo cáo của VDSC viết.
Tuy nhiên, sự thay đổi xu hướng có bền vững hay không vẫn lại là một bài toán khác.
Những vấn đề về chuỗi cung ứng, năng lực phục vụ đã phát sinh khi nhu cầu của khách hàng tăng vọt. Chính Bách Hóa Xanh cũng là ví dụ. Việc niêm yết sai giá, hàng kệ trống do không kịp nhập hàng, thiếu sự đa dạng hay thái độ phục vụ là những vấn đề đã xảy ra. Điều này, theo lãnh đạo MWG, chủ yếu do nhu cầu của thị trường tăng quá nhanh, nhân sự bị quá tải và ảnh hưởng một phần do dịch bệnh.
Đây cũng là thực tế khó tránh khi các chuỗi siêu thị chưa có sự chuẩn bị cho một bước bùng nổ quá gấp rút. Dù vậy, điều này cũng đặt ra vấn đề về sự chuẩn bị cho những thay đổi của ngành bán lẻ sau đại dịch.
"Dù tình trạng này kéo dài hằng tuần hay hằng tháng, rõ ràng phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 đã thay đổi cơ bản thực tế đối với các nhà bán lẻ. Đã đến lúc đối mặt với thực tế đó và bắt đầu thích nghi", René Vader, trưởng bộ phận bán lẻ và tiêu dùng toàn cầu của KPMG International nhận xét.