“Siêu ủy ban” có quản lý hiệu quả?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2015 chỉ tính riêng 781 DNNN, tổng tài sản đã có giá trị 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,2 triệu tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và DN có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5,4 triệu tỷ đồng.

(ĐTTCO) - Dự thảo Nghị định về việc thành lập một Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN có sở hữu nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra lấy ý kiến. Đây là điều được nhiều người trông đợi nhằm quản lý hiệu quả hơn đồng vốn của Nhà nước nằm tại DNNN đang chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Tầm quan trọng của vấn đề này cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2015 chỉ tính riêng 781 DNNN, tổng tài sản đã có giá trị 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,2 triệu tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và DN có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5,4 triệu tỷ đồng.

Trong đó, chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN là một trong những giải pháp cơ bản nhằm tách việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hành chính, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả DN.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là ủy ban này sẽ thuộc Chính phủ, nhưng chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực; không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại DN... Trong phân công thực hiện quyền, trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước, bên cạnh vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN, còn có một số bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, UBND cấp tỉnh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và DN có vốn nhà nước do UBND cấp tỉnh thành lập; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN quốc phòng, an ninh; Ngân hàng Nhà nước thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước; bộ quản lý ngành thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích ngành.

Thực ra việc thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều quyền, đủ mạnh như một “siêu ủy ban” nhằm thay đổi cách thức hiện nay là cần thiết, nhưng cái khó là mô hình mới này chưa có tiền lệ. Nếu nhìn vào cách thức, yêu cầu, vận hành của ủy ban này có thể thấy trách nhiệm, quyền hạn đó đang tồn tại ở một số tổ chức, cơ quan, DN hiện nay như: Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)… nhưng ở quy mô, vai trò, nhiệm vụ lớn hơn. Chính vì thế, việc kèm theo dự thảo danh sách 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, trong đó có SCIC sẽ thuộc sự quản lý, giám sát của ủy ban này đang khiến nhiều người băn khoăn.

Hay như đầu tư, quản lý danh mục cũng là một chức năng của ủy ban này. Và nếu DNNN đầu tư, kinh doanh không hiệu quả, trách nhiệm của ủy ban sẽ ra sao, khi dự thảo quy định DNNN cũng có chức năng đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của Nhà nước, trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý. Ngoài ra, việc đầu tư các dự án trọng điểm của ủy ban liệu có trùng lắp với chức năng của SCIC? Thực tế từ khi thành lập đến nay, SCIC chủ yếu tiếp nhận, tái cơ cấu và thoái vốn tại DNNN. Thế nhưng, sau hơn 10 năm hoạt động, việc nhận bàn giao vốn nhà nước tại DN nhỏ từ các bộ, ngành, địa phương đang rất khó khăn, mặc dù có sự thúc giục từ Chính phủ. Bởi nhiều bộ, ngành, địa phương tìm đủ mọi cách để chần chừ việc từ bỏ quyền lợi của mình tại các DNNN. Nay với dự định thành lập cơ quan mới này, việc dứt bỏ những quyền lợi càng không dễ dàng khi nhiều bộ, ngành sẽ lập luận rằng quản lý chuyên ngành sẽ hiệu quả hơn chuyển giao cho một cơ quan độc lập.

Các tin khác