(ĐTTCO) - Dự thảo nghị định về việc thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước vẫn đang là chủ đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia quan tâm, khi khối tài sản tại 30 doanh nghiệp (DN) dự kiến chuyển giao cho ủy ban này khoảng 100 tỷ USD. Những ý kiến khác nhau về mô hình chưa có tiền lệ này khiến dự thảo chưa thể hoàn chỉnh. Chủ trương đã có, nhưng để làm được, là điều không dễ. Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích:
![]() |
Tất cả định hướng thành lập đã có. Đó là từ khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN cách đây hơn 10 năm đã có ý tưởng về thành lập mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước. Đến Đại hội Đảng X, XI đều đề cập và đến Đại hội Đảng XII đã nói rõ. Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện thế nào. Hiện có 2 quan điểm về vấn đề này. Đó là nghiên cứu kỹ mới thực hiện và nghiên cứu là cần nhưng phải làm đã.
PHÓNG VIÊN: - Lý luận, chủ trương đã có nhưng tại sao sau bao nhiêu năm, việc lập cơ quan này vẫn còn tranh cãi, thưa ông?
Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Nguyên nhân cơ bản theo tôi do bản thân các bộ, ngành vẫn chưa thông. Thí dụ, ai sẽ chỉ đạo ủy ban chẳng hạn. Vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư tính toán phương án nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tôi nghĩ không khả thi. Bởi chúng ta phải nhìn vào đặc thù DNNN và hệ thống chính trị của Việt Nam để đưa ra phương án, không phải lý thuyết suông vì điều quan trọng nhất của đặc thù Việt Nam là Đảng lãnh đạo công tác nhân sự. Cho nên nhân sự quản lý vốn nhà nước tại cơ quan này phải do Đảng quyết định.
![]() |
Cần cổ phần hóa để đổi mới DNNN. |
Khi cho ra đời SCIC chúng ta dựa theo mô hình Temasek của Singapore. Tôi là một trong những người đầu tiên sang Singapore nghiên cứu mô hình này để đề xuất đưa vào Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX. Ban đầu lập ra SCIC chỉ để quản lý vốn của 19 tổng công ty 91. Nhưng sau đó Chính phủ thành lập các tập đoàn do Thủ tướng quản lý. Sau đó SCIC chuyển sang hướng nhận vốn nhà nước tại các DN trực thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý. Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX nói rõ chỉ giữ lại một số tập đoàn, tổng công ty then chốt của nền kinh tế, còn lại cổ phần hóa, giao, bán khoán, cho thuê để đổi mới DNNN. Với tư tưởng như vậy, tất cả công ty không liên quan đến quốc phòng, an ninh, không phải lĩnh vực then chốt sẽ phải bán, xã hội hóa.
- Trong dự thảo có đề cập đến việc ủy ban này không phải là bộ máy hành chính mà hoạt động như một nhà đầu tư tài chính, chịu trách nhiệm về hiệu quả của đồng vốn nhà nước. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của DN do DN chịu trách nhiệm, ủy ban không thể làm thay DN. Ông nghĩ sao về điều này?
- Có thể trong đó sẽ có nhiều mô hình như SCIC. Bên cạnh đó, những cơ quan nòng cốt của ủy ban như tôi đã đề cập ở trên phải có để ủy ban này đủ mạnh, có thể xây dựng các tiêu chí về hiệu quả hoạt động, thay thế những đại diện DN làm không hiệu quả… Và nhiệm vụ của tổ chức đảng là xây dựng được đội ngũ lãnh đạo có thể là đảng viên hoặc không nhưng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, có khả năng đáp ứng được các tiêu chí để lãnh đạo DN hoạt động hiệu quả.
- Với rất nhiều yêu cầu, kỳ vọng, có vẻ việc ra đời siêu ủy ban này rất khó khăn và theo ông cần có cơ chế đặc thù gì để đẩy nhanh tiến độ thành lập cơ quan siêu bộ này?
- Không có việc gì là dễ dàng. Nhưng khó như giai đoạn 1993 thay đổi tư duy, nhận thức về cổ phần hóa DNNN chúng ta còn làm được, nên việc thành lập ủy ban này nếu chúng ta quyết tâm sẽ làm được. Vấn đề là thời gian không chờ chúng ta. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay đến cuối năm nay mà không ra được ủy ban này thì coi như xong, vì việc quản lý, bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ đã trở nên rất cấp thiết.
Về cơ chế đặc thù như lương bổng để thu hút người có năng lực, theo tôi nếu đã làm ở ủy ban này phải thôi công chức, trừ chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm ủy ban, là công chức. Những người còn lại có thể là ký hợp đồng, trả lương theo việc. Quan trọng là hiệu quả hoạt động thì chế độ đãi ngộ cũng sẽ đi theo.
- Ủy ban Kinh tế có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?
- Chúng tôi chỉ nắm việc này thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, còn văn bản Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng chỉ là cấp nghị định nên không có ý kiến. Tuy nhiên, nếu quy định sai có thể bị “thổi còi”.
- Xin cảm ơn ông.
Chúng ta đều thấy vấn đề nhân sự quyết định hoạt động của DN. Nhân sự được quyết định của tổ chức Đảng. Vậy mối quan hệ giữa Đảng ủy khối DN Trung ương với tổ chức này ra sao? Nhận xét cán bộ, bổ nhiệm cán bộ do SCIC hay do Đảng ủy hiện nay? Cho nên, nếu vẫn giữ mô hình như hiện nay của SCIC sẽ khó xử lý được. Từ thực tiễn đó phải thành lập một cơ quan đủ quyền lực. Theo suy nghĩ của tôi, cơ quan đó phải là sự kết hợp của Đảng ủy khối DN Trung ương, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) và SCIC là một trong siêu ủy ban này. |