Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Singapore vẫn duy trì vị trí đứng đầu trong số các nơi dễ làm ăn nhất. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiến bộ trong danh sách này.
Theo AFP, báo cáo của Ngân hàng Thế giới có tên “Kinh doanh năm 2016” bao quát 189 nền kinh tế. Báo cáo này đánh giá môi trường quản lý đối với các công ty vừa và nhỏ để xem nền kinh tế đó cản trở hay giúp đỡ việc kinh doanh, từ việc khởi nghiệp cho đến đóng thuế, đăng ký tài sản và mậu dịch xuyên biên giới.
Trong báo cáo năm nay, ít có sự thay đổi trong tốp 10 nước đứng đầu so với năm 2015.
Sau Singapore, New Zealand, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hong Kong, Anh và Mỹ lần lượt giữ các vị trí từ thứ 2 đến thứ 7 trong số các nền kinh tế thân thiện nhất về kinh doanh. Năm nay Thụy Điển đứng thứ 8, Na Uy đứng thứ 9 và Phần Lan đứng thứ 10.
Các nền kinh tế bị đánh giá tụt hạng trong danh sách năm nay có Trung Quốc (rớt một bậc xuống vị trí 84), Brazil (rớt 5 bậc xuống còn 116), Nam Phi (rớt 4 bậc xuống vị trí 73).
Trong khi đó, Nga tăng ba bậc lên vị trí 51 trong bối cảnh chật vật với nền kinh tế và cấm vận từ phương Tây. Ấn Độ tăng bốn bậc lên vị trí 130 so với năm ngoái.
Eritrea là nước đứng chót bảng cùng với Haiti, Venezuela.
Ngoài Singapore, tại Đông Nam Á, Malaysia đứng thứ 18, Thái Lan đứng thứ 49, Brunei đứng thứ 84, Việt Nam đứng thứ 90, Philippines ở vị trí 103, Indonesia vị trí 109, Campuchia xếp 127, Lào ở vị trí 134, Myanmar xếp 167.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm 12 nền kinh tế thực hiện trên bốn cải tổ để tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Số cải tổ mà Việt Nam đã thực hiện là 5. Nga cũng thực hiện 5 cải tổ cùng với Hong Kong, Cyprus.
Báo cáo cho hay hầu hết cải tổ của các nền kinh tế là giảm số ngày hoàn tất một số thủ tục. Việt Nam nằm trong số này cùng Trung Quốc, Đài Loan, Botswana, Togo, Cyprus. Việt Nam cũng được đánh giá là đã đơn giản hóa một số thủ tục về thuế, đơn giản hóa các thủ tục sau đăng ký.